Theo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, với tiềm lực cung cấp nguồn thủy sản dồi dào, tập trung nâng cao chất lượng, sản phẩm tôm của Quảng Ninh đang có nhiều cơ hội vươn xa.
Cụ thể, tính riêng năm 2019, tổng sản lượng thủy sản của Quảng Ninh đã đạt trên 131.000 tấn. Trong năm 2019, giá trị xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đạt 198 triệu USD, giá trị chế biến xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đạt khoảng 24,4 triệu USD (bình quân tăng 4,1%/năm trong giai đoạn 2013-2019).
Quảng Ninh đang có 5 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với công suất cấp đông 100 tấn/ngày, công suất hầm đông đạt 200 tấn/ngày, công suất kho lạnh 6.700 tấn/năm. Tổng công suất chế biến sản phẩm của tỉnh đạt khoảng 7.500 tấn/năm, trong đó nhu cầu nguyên liệu từ 10.000-12.000 tấn/năm.
Cùng với đó, Quảng Ninh có nhiều dự án nổi bật được các tập đoàn lớn đầu tư quy mô, như: Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh và sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản của Tập đoàn Việt-Úc tại huyện Đầm Hà; trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) đầu tư, triển khai tại TP.Cẩm Phả...
Đây đã và đang là nguồn cung cấp giống tôm chất lượng cao cho các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, là động lực để phát triển ngành nuôi tôm trong tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Việc ưu đãi thuế quan được coi như cơ hội, "cánh cửa lớn" cho nông sản Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng bứt phá.
Việc hơn 200 dòng thuế thủy sản sẽ về 0% chính là lợi thế cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng so với các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador..., nhất là khi các nước này vẫn phải chịu mức thuế cơ bản từ 4,2-12%.
Đáng chú ý là đối với mặt hàng tôm, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 20% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Thực hiện EVFTA, tôm sú của Việt Nam sẽ được giảm mức thuế quan từ 4,2% về 0%; tôm thẻ chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm.
Tôm cũng là mặt hàng được dự báo có sự tăng trưởng nhanh vào EU của nước ta, sau khi EVFTA có hiệu lực, có thể đạt kim ngạch 1 tỉ USD trong năm tới, so với con số khoảng 700 triệu USD/năm hiện nay.
Tuy nhiên, để bước qua cánh cửa đó, thách thức lớn nhất chính là việc các doanh nghiệp phải vượt qua hàng rào kỹ thuật của EU. Đây là điều không hề dễ dàng.
Bà Phạm Thị Thu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) cho biết, EU là thị trường mà mọi doanh nghiệp đều muốn hướng đến, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng đây luôn là thị trường khó tính mà nhiều doanh nghiệp còn chần chừ vì hệ thống hồ sơ, thủ tục phức tạp. Cùng với đó là yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ.
"Trong đó, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP, hay năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên, phát triển các sản phẩm có sự chế biến tốt, bảo quản dài ngày để phù hợp hơn với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn so với Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều chương trình, hội thảo, các lớp tập huấn để trao đổi kinh nghiệm, trang bị các kiến thức và hỗ trợ doanh nghiệp trước ngưỡng cửa lớn, đầy tiềm năng và thách thức này" - bà Hiền nói.
Thực tế, những thách thức đó đã đặt ra yêu cầu cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, đáp ứng với điều kiện xuất khẩu của EVFTA. Cũng như, tổ chức kênh phân phối hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ninh, đối với thủy sản - lợi thế của ngành nông nghiệp Quảng Ninh, sẽ định hướng phát triển kinh tế thủy sản ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực như tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú), nhuyễn thể (ngao/nghêu, hàu, tu hài), cá (cá song, cá giò, vược, chim vây vàng)... theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững kết hợp khai thác, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tập trung chế biến thủy hải sản tạo chuỗi sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, chuyển dịch từ nuôi ven bờ sang phát triển vùng biển theo quy mô công nghiệp với công nghệ hiện đại. Nhất là, phát triển hệ thống sản xuất giống gắn với các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; phương thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học; phát triển các đối tượng nuôi chủ lực theo chuỗi; nuôi áp dụng các quy trình sản xuất tốt (ASC, GlobalGAP, VietGAP…).
Có thể thấy, cơ hội mở ra cho xuất khẩu thủy sản Quảng Ninh là rất lớn, song bên cạnh đó vẫn có nhiều khó khăn, thách thức.
Hiện, trên địa bàn tỉnh mới có 8 doanh nghiệp được cấp mã xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc với khoảng 130 sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, 137 sản phẩm qua cặp chợ; 5 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, công suất cấp đông, kho lạnh, hầm đông lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn thường xuyên thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu gặp vướng mắc về kiểm soát chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu từ khâu nuôi - thu hoạch - chế biến - bao gói. Bởi lẽ, hầu hết hộ dân, doanh nghiệp hiện nay phần lớn vẫn là nuôi trồng theo kinh nghiệm, chưa thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm, cấp mã cơ sở nuôi, ao nuôi...
Đây là những thách thức đòi hỏi sự chung sức và quyết tâm của cả chính quyền Quảng Ninh và doanh nghiệp.
Đăng nhận xét