An Giang: Gọi là loài ngoại lai xâm hại nhưng nhìn quen nhẵn mặt, có tôm hùm hung dữ, cây nguy hiểm nhất thế giới

Đầu tháng 5 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, qua rà soát kết quả thực hiện phòng ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai của các đơn vị trên địa bàn tỉnh hiện đã ghi nhận có xuất hiện của 14 loài ngoại lai theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT trong đó có 8 loài ngoại lai xâm hại và 6 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, cụ thể:

Loài ngoại lai xâm hại, gồm: Bọ cánh cứng hại lá dừa Brontispa longissima: Tính đến tháng 5/2018, diện tích trồng dừa của tỉnh bị Bọ cánh cứng hại lá dừa xâm hại ở từ mức nhẹ đến mức trung bình là 226 ha, xuất hiện hầu hết các huyện, thị, thành phố.

An Giang: Nhiều loài ngoại lai xâm hại quen nhẵn mặt, có tôm hùm hung dữ, cây nguy hiểm nhất thế giới - Ảnh 1.

Tôm hùm nước ngọt. Ảnh: minh họa.

Ốc bươu vàng Pomacea canaliculata: Đây là loài gây hại cho hệ sinh thái nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, tình hình lây nhiễm ốc bươu vàng trên đồng ruộng dao động từ 5.737 - 20.902 ha.

Trinh nữ thân gỗ hay cây mai dương Mimosa pigra: Lần đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của loài trên địa bàn tỉnh vào năm 1970 tại một số huyện biên giới giáp nước bạn Campuchia. Đến nay đã hiện diện trên toàn tỉnh An Giang. 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy diện tích bị loài xâm hại khoảng 175 ha tập trung tại các huyện: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thị xã Tân Châu và Thành phố Châu Đốc. Tại khu Bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư ghi nhận sự xâm lấn của loài này với diện tích khoảng 2 ha.

Ghi nhận xuất hiện của 5 loài ngoại lai xâm hại nhưng chưa đánh giá mức độ gây hại gồm: Cá tỳ bà lớn (Cá dọn bể lớn) Pterygoplichthys pardalis, Rùa tai đỏ Trachemys scripta, Trinh nữ móc Mimosa diplotricha, Cây ngũ sắc (bông Ổi) Lantana camara,  Bèo tây (bèo Lục bình, bèo Nhật Bản) Eichhornia crassipes.

Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gồm: Cây keo giậu Leucaena leucocephala, Cây lược vàng Callisia fragrans, Tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii, Cây cứt lợn (Cỏ cứt heo) Ageratum conyzoides, Cá rô phi đen Oreochromis mossambicus, Cây lược vàng Callisia fragrans.

Năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã chủ trì tổ chức 4 đợt thanh tra liên ngành phát hiện 2 cơ sở kinh doanh tôm hùm nước ngọt. 

Bên cạnh đó, hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh lồng ghép việc kiểm soát, phát hiện, ngăn ngừa, loài ngoại lai xâm hại vào hoạt động tuần tra bảo vệ rừng tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo vệ cảnh quan thuộc phạm vi quản lý.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, việc thực hiện các chiến dịch phòng trừ còn mang tính phong trào, chưa thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao và có phần chưa đáp ứng yêu cầu về phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. 

Do loài ngoại lai xâm hại thường có sức sống cao, bền bỉ, thích ứng nhanh và có ưu thế về khả năng cạnh tranh môi trường sống với các loài bản địa nên rất phức tạp, thậm chí có thể lây lan, phát tán nghiêm trọng nếu không thường xuyên phòng trừ, tiêu diệt.

Đồng thời việc nhận diện và nắm các quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại của các đối tượng liên quan còn rất hạn chế nên công tác kiểm soát, phòng trừ, cô lập đôi khi còn lúng túng, bỏ sót.