Sụt giảm mạnh vì Covid-19
Sau đợt dịch Covid-19 lần trước, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai rơi vào tình trạng khốn đốn vì hàng bị ứ đọng, nguyên liệu sản xuất thiếu hụt,… nhưng vẫn chưa kịp khắc phục thì đợt dịch thứ 2 lại ập tới.
Trước tấn công dồn dập của dịch Covid-19, một số DN đã buông tay, nhưng có nhiều DN vẫn cố gắng tìm đủ mọi cách để cầm cự, dù gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, ở Đồng Nai, tình hình sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng trưởng khá thấp. Nhiều DN điêu đứng do hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, vì nhiều nước trên thế giới là các nước nhập khẩu cũng đang vùng vẫy giữa “bão” Covid-19.
Trong 7 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp của Đồng Nai có 9/27 ngành có mức tăng trưởng âm, kéo theo đó là chỉ số tiêu thụ hàng hóa giảm, lượng hàng tồn kho gia tăng. Những ngành hàng bị tác động mạnh như: điện tử; sản xuất giường, tủ, bàn ghế, dệt, may mặc, nhuộm,…
Nhiều DN đang có dư nợ ngân hàng khá lớn. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại Đồng Nai, tính đến cuối tháng 7/2020, dư nợ cho vay đối với DN nhỏ và vừa của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên gần 46.000 tỷ đồng, tăng hơn 4,8% so với cuối năm 2019 và chiếm tỷ trọng gần 21% so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.
Tuy nhiên vì dịch bệnh hành hoành nên thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có phương án, các gói hỗ trợ tín dụng, mức lãi suất phù hợp dành cho hoạt động cho vay đối với DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Vùng vẫy trong dịch Covid-19
Cũng nhờ vào những hỗ trợ từ vốn vay của ngân hàng, nhiều DN đang cố vực dậy sản xuất cố gắng vùng lên trong dịch để giữ lại công ty, lo cho nhân công, người lao động,…
Đại diện Công ty gỗ Nhân An tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai chia sẻ, hiện nay hàng xuất khẩu không thể đưa đi, ứ đọng tồn kho lại quá nhiều nên buộc công ty phải tung ra thị trường bán lẻ nội địa để duy trì sản xuất, lo cho đời sống của công nhân.
“Hàng hóa ứ đọng, nếu cố gắng giữ công nhân thì DN càng ôm đồm. Hiện chúng tôi vẫn sản xuất cầm chừng, cố gắng để lo cho 1 bộ phận đời sống anh chị em còn lại”, ông An - Giám đốc Công ty Nhân An chia sẻ.
Trong khi đó, Công ty may mặc Hùng Cường cũng nói rằng đợt dịch trước để đảm bảo hoạt động, công ty chuyển sang may khẩu trang, đồ bảo hộ nhưng đợt này nhu cầu, sự khan hiếm không nhiều nên cũng không khá hơn.
“Chúng tôi vẫn cố gắng duy trì, không để công nhân phải nghỉ nhưng đề nghị công nhân đồng hành để cùng công ty đi qua những giai đoạn khó khăn này. Doanh thu giảm, công suất cũng giảm 1/2 nhưng vẫn cố duy trì chờ đợi qua dịch”, đại diện công ty cho hay.
Phía công ty cũng nói rằng nhiều đối tác từ Âu, Mỹ và các nước trên thế giới vẫn quan tâm và đặt hàng. Nhưng quá trình xuất khẩu rồi nhận hàng nhập về cũng khá khó khăn.
Đại diện một DN sản xuất hàng xuất khẩu ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) lại kỳ vọng, dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng vẫn mong nền kinh tế khởi sắc. Hơn nữa trong tháng 8 này hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam) có hiệu lực thì DN cũng được hưởng lợi.
“Năm nay chẳng trông chờ gì nhiều, chỉ mong nhận được hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất,… để vơi đi phần nào gánh nặng. Cứ cố gắng được tới đâu hay tới đó”, bà Minh Hoa - Giám đốc một DN may mặc chia sẻ.
Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc tạm thời ngừng lại làm cho DN bị phát sinh chi phí lưu kho bãi, chi phí vận chuyển, đền bù khách hàng do hàng hóa giao nhận không đúng thời gian quy định. Đồng Nai đang có 20 kho ngoại quan, hầu hết các mặt hàng gửi tại các kho ngoại quan đều là thành phẩm sản xuất của các DN chờ xuất khẩu ra nước ngoài và hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư sản xuất. Nhiều DN thuê kho ngoại quan để chứa hàng đã phải gia hạn hợp đồng thuê kho nhằm kéo dài thời gian lưu trữ hàng hóa.
Đăng nhận xét