Lộ “sức khoẻ” Thành Công Group của ông Nguyễn Anh Tuấn

Cú tăng vốn "sốc" của Thành Công Group

Thành Công Group tiền thân là Công ty Cơ khí Thành Công được thành lập năm 1999. Năm 2004, Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Anh đi vào sản xuất với thương hiệu xe tải Thành Công và đến năm 2007 khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô thứ 2 tại Ninh Bình.

Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2008 khi Thành Công trở thành đối tác chính thức của thương hiệu xe tải nặng Hyundai và một năm sau đó là nhà phân phối duy nhất của xe du lịch Hyundai ở Việt Nam. Liên doanh Hyundai Thành Công đưa nhà máy sản xuất và lắp ráp ở Ninh Bình đi vào hoạt động năm 2011, từ đó trở thành đối trọng của Thaco Mazda cũng như Toyota ở thị trường trong nước.

Lộ “sức khoẻ” tập đoàn nghìn tỷ của ông Nguyễn Anh Tuấn - Ảnh 1.

Cũng năm 2008, công ty Cơ khí Thành Công đổi tên thành CTCP Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group). Tính đến năm 2019, Thành Công Group có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng. Trong đó ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT nắm cổ phần chi phối với 45,75%; vợ ông Nguyễn Anh Tuấn là bà Lê Hồng Anh nắm 24,25%, em trai Nguyễn Toàn Thắng giữ 10%, em trai Nguyễn Thành Công có 2,13% và Tổng giám đốc Lê Ngọc Đức sở hữu 5%.

Điều đáng nói, Thành Công Group đã có màn tăng vốn "sốc" khi năm 2017 đã phát hành 2.000 tỷ đồng để tăng vốn từ hơn 768 tỷ đồng (năm 2016) lên 2.800 tỷ đồng, tương đương tăng 264%. Đến năm 2018 phát hành cổ phần thêm 700 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng như hiện nay.

Mặc dù vốn góp tăng sốc nhưng vốn chủ sở hữu lại không có sự biến động nhiều. Chỉ riêng năm 2017 sau khi phát hành 2.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu có sự tăng vọt từ 1.485 tỷ đồng lên 3.984 tỷ đồng, tăng 168%. Trong khi các năm sau thì hầu như không có sự tăng trưởng, chỉ có 1% và 5% cho năm 2018, 2019. Hiện vốn chủ sở hữu của Thành Công Group là 4.237 tỷ đồng.

Mặc dù thành công trong lĩnh vực ô tô, nhưng trong vài năm trở lại đây, Thành Công Group của ông Nguyễn Anh Tuấn được biết đến nhiều trong lĩnh vực bất động sản và tài chính.

Mảng bất động sản của Thành Công Group quy tụ một số thành viên như Thành Công E&C, CTCP Thương mại Du lịch Cổ Loa, CTCP Xây dựng Thành Công 3… với hàng loạt dự án như dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long; Dự án Khu chung cư kết hợp dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại Khu đô thị Cao Xanh-Hà Khánh B; Dự án khu tổ hợp dịch vụ - văn phòng – nhà ở tại nút giao Minh Khai, phường Đại Yên, TP Hạ Long; Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp dịch vụ Khu Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên…

Lộ “sức khoẻ” tập đoàn nghìn tỷ của ông Nguyễn Anh Tuấn - Ảnh 2.

Thương vụ đầu tư vào Eximbank với cuộc nội chiến giữa các cổ đông ngân hàng gây ồn ào thời gian qua

Còn trong lĩnh vực tài chính thì khá ồn ào khi Thành Công Group gom cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn của Eximbank. Tính đến cuối năm 2019, Thành Công Group của ông Nguyễn Anh Tuấn nắm 12,9 cổ phần Eximbank, trong đó: Thành Công Group nắm 4,9%, Hợp tác xã Thành Công nắm 3,62%, ông Nguyễn Tiến Dũng nắm 4,45%. Cuộc nội chiến của các cổ đông tại ngân hàng này đang diễn ra rất quyết liệt khiến hoạt động của Eximbank ngày càng đi xuống.

Hoạt động kinh doanh và dòng tiền tiềm ẩn rủi ro

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tài chính của Thành Công Group của ông Nguyễn Anh Tuấn từ năm 2016 – 2019, có thể thấy sự mở rộng lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đầu tiên là dòng tiền. Báo cáo tài chính năm qua các năm từ 2016 đến 2019 của Thành Công Group của ông Nguyễn Anh Tuấn cho thấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư đều âm lần lượt là 97 tỷ đồng và 466 tỷ đồng trong năm 2019.

Điều này phản ánh hoạt động của Công ty đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính thanh khoản khi nguồn tiền thu từ hoạt động kinh doanh và tài chính đều âm, có nghĩa, công ty đang tiếp tục dùng nguồn vốn vay để tài trợ cho các hoạt động đầu tư, góp vốn và cho vay.

Lộ “sức khoẻ” tập đoàn nghìn tỷ của ông Nguyễn Anh Tuấn - Ảnh 2.

Ngoài ra, khoản phải trả nội bộ rất lớn của Thành Công Group là 1.500 tỷ đồng (năm 2019) cũng là một điều đáng quan tâm. Báo cáo tài chính không có thuyết minh rõ rang về khoản vay này như tiến độ, lãi suất, thanh toán… Nếu khoản này phải thanh toán thì cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thanh khoản của công ty hiện tại.

Một điểm dễ nhận thấy, doanh thu của Thành Công Group của ông Nguyễn Anh Tuấn chủ yếu đến từ doanh thu tài chính chứ không phải từ doanh thu hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Cần phải nhấn mạnh rằng xuất phát điểm của Thành Công Group chính là ô tô, nên theo lẽ, trước khi mở rộng sang lĩnh vực khác thì doanh thu trong lĩnh vực chính sẽ đóng góp chính. Nhưng với Thành Công Group của ông Nguyễn Anh Tuấn lại khác, tỷ lệ doanh thu tài chính đóng góp chính vào lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp này.

Với một doanh nghiệp mà doanh thu tài chính đóng góp chính (chiếm chủ yếu từ cổ tức và lợi nhuận được chia) thì lợi nhuận sẽ phụ thuộc rất lớn hoạt động kinh doanh các công ty con, công ty liên doanh liên kết, đơn vị góp vốn.

Điều này thấy khá rõ tại Thành Công Group của ông Nguyễn Anh Tuấn. Cụ thể, năm 2017 sau khi tăng vốn từ 768 tỷ đồng lên 2.800 tỷ đồng thì doanh thu tài chính của Thành Công Group tăng 1.963 tỷ đồng, tuy nhiên sang năm 2018 doanh thu tài chính chỉ còn 63 tỷ đồng và đến năm 2019 cũng chỉ đạt 243 tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm 2018 và 2019 cũng chỉ đạt lần lượt là 20 tỷ đồng và 27 tỷ đồng.

ĐVT: Tỷ đồng

Năm

2019

2018

2017

2016

DT hoạt động tài chính (DTTC)

243

63

1,963

49

Lợi nhuận sau thuế TNDN

194

44

1,894

12

Tỷ lệ DTTC/LNST

80%

70%

96%

24%

Hiện tại, tài sản lớn nhất của công ty là khoản đầu tư tài chính dài hạn năm 2019 lên 4.351 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 69% tổng tài sản, trong đó 2.559 tỷ đầu tư công ty con, 686 tỷ đầu tư công ty liên kết, liên doanh và 1.139 tỷ đầu tư khác.

Toàn bộ khoản đầu tư này đều không được thuyết minh rõ trong thuyết minh báo cáo tài chính, không rõ về tỷ lệ góp vốn, giá trị khoản cho vay, lợi nhuận phân chia khi đầu tư và các rủi ro khi mất vốn là như thế nào.

Đặc biệt trong khoản đầu tư có mục dự phòng đầu tư dài hạn là 33,9 tỷ đồng. Đây là giá trị nhỏ so với con số 4.351 tỷ đồng đầu tư, tuy nhiên nó phản ánh rủi ro khi thực hiện đầu tư của ban lãnh đạo công ty. Liệu khoản dự phòng có tiếp tục phải trích lập trong thời gian tới?

Nhìn vào kết quả kinh doanh của Thành Công Group trong 2019 có thể thấy rằng với khoản đầu tư lên tới hơn 4.352 tỷ đồng mà doanh thu tài chính chỉ đạt 243 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chưa tới 5,5%. Trong khi đó lại có rủi ro mất vốn và phát sinh chi phí tài chính từ khoản vay ngắn hạn mới 549 tỷ đồng và khoản vay dài hạn nội bộ lên tới 1.504 tỷ đồng. Điều đó cho thấy hoạt động kinh doanh của Thành Công Group chưa thực sự hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro rất lớn về khả năng thanh toán khoản vay đến hạn.

Phân tích về chỉ tiêu EPS của Thành Công Group có thể thấy năm 2018 là 157,26 đồng/cổ phiếu, năm 2019 là 554,03 đồng/cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu Thành Công Group của ông Nguyễn Anh Tuấn với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu thì cần 18 năm để hoàn vốn.

Ngoài ra, chỉ tiêu ROE của Thành Công Group năm 2018 và 2019 lần lượt là 1,1% và 4,6%, đây là mức khá thấp.