Quan tâm đầu tư
Những ngày giữa tháng 8/2020, chúng tôi đến xã Liên Hội, huyện Văn Quan - nơi những cánh rừng hồi trải dài ngút ngàn xanh thẳm. Trước đây, cây hồi không được quan tâm chăm sóc đúng mức, còn giờ đây, những cánh rừng hồi đều được canh tác, quản lý chặt chẽ, những hàng hồi mọc thẳng tắp từ chân lên đến đỉnh đồi.
Sản phẩm hoa hồi có giá trị kinh tế cao đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ... Thị trường tiêu thụ rộng của hoa hồi Lạng Sơn lớn như thị trường Mỹ, các nước Châu âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á.
Bà Nguyễn Thị Hoan (thôn Khòn Cải, xã Liên Hội, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, gia đình bà có khoảng 3ha hồi được trồng đã lâu năm. Do không chăm sóc thường xuyên, nên nhiều diện tích cây hồi bắt đầu thoái hóa, cho năng suất thấp. Năm 2018, thực hiện đề án phát triển hồi hữu cơ của huyện, gia đình bà Hoan được hỗ trợ phân bón, thang trèo hồi để phát triển cây hồi theo hướng sản xuất hữu cơ.
Bà Hoan cho biết: "Năm 2018, tôi bắt đầu trồng hồi theo hướng sản xuất hữu cơ. Đến nay, cây hồi phát triển xanh tốt hơn, nhiều cây tạp dưới gốc hồi được phát dọn, hạn chế sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, cây hồi sản xuất theo hướng hữu cơ có tỉ lệ đậu hoa cao hơn từ 15% - 20% so với trước. Năm 2019, tôi thu trên 2 tấn hồi, tăng khoảng 15% so với năm 2018".
Ngoài gia đình bà Hoan, nhiều gia đình khác trong xã Liên Hội cũng bắt đầu phát triển hồi theo hướng sản xuất hữu cơ, thường xuyên chăm sóc, bón phân, cắt tỉa theo kỹ thuật.
Hiện nay, toàn xã Liên Hội có trên 400ha hồi, trong đó có gần 60ha hồi phát triển theo hướng sản xuất hồi hữu cơ.
Ông Lương Thế Cường - Chủ tịch UBND xã Liên Hội cho biết, sản lượng hồi bình quân trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn đạt 1.200 tấn/năm. Xã đang tiếp tục vận động người dân chủ động phát triển hồi theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, xã cũng đang phát triển 3,68ha rừng hồi mẫu tại thôn Khòn Cải, là mô hình được chăm sóc áp dụng khoa học kỹ thuật cho hiệu quả, để từ đó nhân rộng trên địa bàn. Song song với nâng cao chất lượng hồi, việc sơ chế, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ được chú trọng.
Nâng tầm giá trị
Thời gian qua, huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hồi. Qua đó, nhiều tư thương trên địa bàn đầu tư nhà xưởng, lò sấy, lò chưng cất tinh dầu hồi, chế biến hồi khô xuất khẩu.
Ông Nông Văn Tú (thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan) cho biết, ông đã dành hơn 40 năm gắn bó với nghề chưng cất tinh dầu hoa hồi để xuất bán sang các nước châu Âu.
Theo ông Tú, để nâng cao giá trị hồi, vài năm trở lại đây, ông đã đi nhiều nơi, tham dự nhiều diễn đàn, hội thảo xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ hồi ra thị trường các nước. Vì vậy, ngoài thị trường Trung Quốc, những năm gần đây, ông đã ký kết hợp đồng xuất khẩu tinh dầu hồi sang các nước, khu vực khác như: Ấn Độ, Trung Đông, Hà Lan, Bỉ…
Cùng với đó, năm 2019, ông còn đầu tư hệ thống chưng cất hồi bằng hơi – tăng công suất lên hơn 8 - 10 lần so với chưng cất thủ công. Hằng năm, gia đình ông thu mua của người dân trên 100 tấn hồi tươi, hồi khô các loại.
"Hiện tôi đang được huyện hướng dẫn hoàn tất hồ sơ để sản phẩm tinh dầu hồi đạt chứng nhận OCOP 4 sao của địa phương. Sản phẩm tốt rồi nhưng cần xây dựng được thương hiệu, có mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng,... Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để có thể tiếp tục đưa sản phẩm tinh dầu hồi xuất ngoại", ông Tú cho hay.
Theo ông Tú, với việc nâng cao chất lượng cây hồi, chế biến các sản phẩm từ hồi góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm hồi tăng cao. Năm 2019, giá hồi tươi đạt từ 22.000 - 24.000 đồng/kg thì hiện nay, giá hồi đạt từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Hiện nay, hồi được trồng chủ yếu tại các xã Yên Phúc, Bình Phúc, Tân Đoàn, Tràng Phái, Liên Hội, An Sơn… thuộc huyện Văn Quan. Diện tích trồng hồi trên toàn địa bàn huyện Văn Quan khoảng là khoảng 14.000ha, diện tích cây hồi cho thu hoạch là hơn 11.000ha, sản lượng đạt từ 26.000 - 30.000 tấn (hồi tươi)/năm.
Để phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng hồi trên địa bàn, huyện Văn Quan đã triển khai Đề án cải tạo, nâng cao chất lượng, sản lượng cây hồi giai đoạn 2016 – 2020 với kinh phí trên 14 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, chương trình 30a, các xã đầu tư vào cải tạo, phát triển cây hồi theo hướng sản xuất hồi hữu cơ…
Qua đó, hiện nay, toàn huyện phát triển được trên 300ha hồi hữu cơ; sản lượng hồi khô tăng từ 8.100 tấn (năm 2015) lên trên 10.000 tấn (năm 2019).
Lạng Sơn hiện là nơi có diện tích và sản lượng cây hoa hồi lớn nhất cả nước. Chất lượng hoa hồi xứ Lạng không những nức tiếng trong nước mà còn được thế giới biết đến.
Tính đến nay, tổng diện tích hoa hồi ở tỉnh Lạng Sơn có khoảng 35.000ha, phân bố ở hầu hết các huyện, Trong những năm qua, nguồn thu nhập từ cây hồi giúp người dân nơi đây nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, sản phẩm hoa hồi đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố là tài sản Quốc gia.
Đăng nhận xét