Đô thị dừa thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre dự kiến được xây dựng trên nền tảng đô thị sinh thái mang bản sắc văn hóa gắn với cây dừa. Đồng thời, tận dụng lợi thế các dòng sông lớn trên địa bàn để phát triển công nghiệp, đô thị.
Bản sắc gắn với cây dừa
Trong quyển “Bến Tre bảo tồn và phát huy di sản văn hóa” của tác giả Lư Xuân Chí, phát hành năm 2005, có đoạn khẳng định: “Các thế hệ tiền nhân người Bến Tre đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa vô giá, mang tính căn bản (hay còn gọi là bản sắc), làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển, góp phần làm đa dạng, phong phú nền văn hóa Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng”.
Cây dừa ngay từ đầu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, tăng thu nhập cho người Bến Tre từ nguồn hoa lợi trái dừa và các phụ liệu khác, mà thân dừa còn là loại gỗ dùng để làm nhà, hàng gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ và làm cầu.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người Bến Tre dùng thân cây dừa vào việc xây hầm tránh bom đạn, làm bè đánh sập cầu Bình Chánh (huyện Giồng Trôm). Ngọn dừa lão làm trạm gác canh giặc, hoặc điểm chém vè (nơi núp, trốn); làm cột cờ có gài trái nổ khiến kẻ thù chùn tay, không dám nhổ cờ Mặt trận giải phóng trên những ngọn dừa cao.
Sau hàng trăm năm lập nghiệp, người Bến Tre đã tạo ra những món ăn đặc sản mang đậm hương vị của dừa như: tép rang dừa, cá bống kho dừa, bí hầm dừa, ếch xáo dừa, cháo dừa…
Không phải ngẫu nhiên mà “Mỏ Cày có kẹo nổi danh”. Phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, người Mỏ Cày đã kết hợp thế mạnh của xứ Dừa, mía và lúa nếp để chế biến ra kẹo Mỏ Cày nổi danh. Đây là sản phẩm của quá trình phát triển văn hóa ẩm thực.
Theo những người cao niên kể lại, xuất xứ kẹo dừa Mỏ Cày là do một bộ phận người dân chợ Mỏ Cày làm ra. Sản phẩm kẹo dừa Mỏ Cày ngày nay được người dân Bến Tre tự hào dùng làm quà biếu cho bạn bè bốn phương khi đến thăm quê hương xứ Dừa.
Bản sắc văn hóa gắn với cây dừa vẫn đang được các thế hệ người dân Bến Tre kế thừa và nối tiếp nhau, làm cho bản sắc văn hóa địa phương ngày một đa dạng và phong phú.
Đô thị dừa thị trấn Mỏ Cày
Thị trấn Mỏ Cày là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Mỏ Cày Nam. Thị trấn Mỏ Cày thuận lợi cả về giao thông đường bộ lẫn đường thủy. Địa bàn sở hữu vị thế là giao điểm giữa quốc lộ 60 và quốc lộ 57, lại có hệ thống sông Mỏ Cày và rạch Ông Bồng nối liền, thông thương với hai con sông lớn là Hàm Luông và Cổ Chiên.
Trên nền tảng xây dựng đô thị loại IV, hướng đến xây dựng đô thị loại III và trở thành thị xã vào năm 2030, thị trấn Mỏ Cày đang có những bước chuẩn bị để trở thành một “đô thị dừa” trên nền tảng đô thị sinh thái mang bản sắc văn hóa gắn với cây dừa. Đồng thời, tận dụng lợi thế các dòng sông lớn trên địa bàn để phát triển công nghiệp, đô thị.
Dự kiến, trong năm 2020, thị trấn Mỏ Cày và khu vực mở rộng sẽ đạt tiêu chí đô thị loại IV. Cụ thể, khu vực nội thị bao gồm địa bàn thị trấn Mỏ Cày; 2 ấp Phú Quới và Tân Lộc, xã Tân Hội; ấp An Vĩnh 1, An Vĩnh 2, Hội An, xã Đa Phước Hội với tổng diện tích 714ha. Khu vực ngoại thị bao gồm các xã: Tân Hội, Đa Phước Hội, An Thạnh, Định Thủy, Phước Hiệp, với diện tích 5.700ha.
Hiện nay, đô thị thị trấn Mỏ Cày đạt 54/59 tiêu chuẩn đô thị loại IV. Qua 5 năm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị trấn Mỏ Cày nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,67%; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng 28 người, vượt chỉ tiêu 8 người; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Mỏ Cày Nguyễn Văn Nghiệm chia sẻ: “Huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre chủ trương xây dựng thị trấn Mỏ Cày đạt đô thị loại III và trở thành đô thị dừa là chủ trương phù hợp tình hình thực tế của địa phương, là hướng đi đúng. Vì khi nói về Bến Tre, người ta nghĩ ngay đến xứ Dừa, trong xứ Dừa thì Mỏ Cày Nam có diện tích trồng dừa, sản lượng dừa đứng tốp đầu của tỉnh.
Xây dựng đô thị giai đoạn 2021 - 2025, Đảng ủy thị trấn Mỏ Cày đề ra mục tiêu: trên 90% gia đình thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; xây dựng một tụ điểm văn hóa, văn nghệ; xây dựng một tuyến phố ẩm thực; nạo vét, trữ ngọt kết hợp với công viên cây xanh đoạn rạch Cây Keo, Khu phố 3; xây dựng hệ thống thoát nước và đường giao thông Khu phố 4; kêu gọi đầu tư các khu dân cư.
Công nghiệp chế biến dừa ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre phát triển nhanh và đa dạng như: tiểu thủ công nghiệp, chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy. Việc xây dựng đô thị loại III mang bản sắc dừa của Bến Tre sẽ tạo điều kiện cho đô thị thị trấn có một bản sắc riêng, góp phần tô đẹp truyền thống của quê hương Đồng Khởi anh hùng”.
ông Nguyễn Văn Nghiệm, Phó Chủ tịch UBND trị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
Đăng nhận xét