Tháng 1/2017, Donald Trump chính thức ngồi lên ghế chủ nhân Nhà Trắng, kế thừa nền kinh tế đang trên đà khởi sắc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 từ người tiền nhiệm Obama.
Không thể không nói, dù cựu Tổng thống da màu Barack Obama đã đưa nước Mỹ phục hồi trở lại sau một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, nhưng toàn cảnh nền kinh tế vẫn là một thử thách lớn với người kế nhiệm.
Thời điểm Trump bước chân vào Lầu Năm Góc, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 4,7%, tỷ lệ dân số trong lực lượng lao động chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 4 thập kỷ. Nền kinh tế có tăng trưởng, nhưng duy trì ở mức 2%. Gánh nặng nợ trên GDP lên tới con số 77% đáng báo động.
Các khảo sát thời kỳ Tổng thống Obama đương nhiệm đều cho thấy một thực trạng: người Mỹ đang nghèo đi trông thấy. Năm 2016, năm cuối cùng trong thời gian 8 năm đương chức của ông Obama, có tới gần 50 triệu người Mỹ đăng ký trợ cấp thực phẩm, tăng gần gấp rưỡi so với con số 34 triệu người hồi vị này mới nhậm chức. Chi phí sinh hoạt, chi phí giá tiêu dùng tăng đáng kể trong khi lực lượng lao động tăng trưởng không lớn và mức lương gần như giữ nguyên.
Và Donald Trump chính là người đã thổi luồng gió hồi sinh nền kinh tế Mỹ.
Trong suốt 3 năm đầu nhiệm kỳ của Donald Trump, Đảng Dân chủ đã lập luận rằng vị đương kim Tổng thống chỉ thừa hưởng nền kinh tế tuyệt vời từ thời Barack Obama, và rằng tăng trưởng việc làm dưới thời Trump chỉ gần bằng, hoặc thậm chí ít hơn so với 2 nhiệm kỳ của ông Obama.
Các nghị sĩ Dân chủ có gắng dồn Trump vào hàng loạt bê bối từ điều trần cho đến luận tội, điều mà Trump chỉ trích là “một nỗ lực hạ bệ tôi bằng những tin tức rác rưởi chẳng khác nào một cuộc săn phù thủy".
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là Đảng Dân chủ càng chỉ trích, tỷ lệ người Mỹ ủng hộ Donald Trump càng tăng lên mức cao nhất trong năm, theo khảo sát của Hill-HarrisX hồi tháng 10/2019. Hàng triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump và giờ đây vẫn đang ủng hộ Trump, chỉ vì ông là vị Tổng thống gần như duy nhất của nước Mỹ phá vỡ các quy tắc chính trị ở mọi cấp độ.
Hàng triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump và vẫn đang tiếp tục ủng hộ ông
Ngay từ đầu, Donald Trump xây dựng thương hiệu chính trị của mình rất mạnh mẽ và cứng rắn, như “vị Tổng thống của hành động”. Ông không để tâm vào những lỗi chính tả thường xuyên trên các tweet, không màng đến tai tiếng và sự khó chịu của một bộ phận chính trị gia Mỹ. Ông củng cố thương hiệu của mình bằng những lời nói đi đôi với hành động.
Đó cũng là lý do vì sao thị trường chứng khoán Mỹ thường xuyên chao đảo sau những tweet hay phát ngôn của Trump. Các nhà đầu tư hiểu rằng Trump không nói chơi, cũng không phát ngôn để ứng phó với dư luận. Trump nói những điều ông thực sự nghĩ và đang bắt tay vào làm.
Joe D'Ambrosio - một công dân Mỹ ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 thì khẳng định cuộc điều tra luận tội Tổng thống không làm ảnh hưởng gì đến ý kiến của cá nhân ông rằng Trump nên đắc cử thêm một nhiệm kỳ tiếp theo.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ ngài Tổng thống. Rất nhiều người dân Mỹ đang hài lòng với thị trường chứng khoán, thị trường việc làm và các chế độ hưu trí hiện tại".
Cho đến trước khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 nổ ra, Trump vẫn được mệnh danh là vị thuyền trưởng tài ba với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Nền kinh tế dưới thời Donald Trump được nhận định là “mạnh nhất trong một thập kỷ”, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm còn các chỉ số chứng khoán thì liên tiếp lập đỉnh lịch sử.
Thị trường lao động
Nếu vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của ông Obama, tỷ lệ thất nghiệp nước Mỹ hiện ở mức 4,7% thì đến quý IV/2019, con số này đã duy trì ở mức 3,5% thấp nhất trong nửa thế kỷ.
Đầu năm 2020, cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn cho biết trên tạp chí phố Wall rằng trước khi Donald Trump nhậm chức, văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo nền kinh tế có thể chỉ tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trong 3 năm. Nhưng cho đến nay, nền kinh tế thực đã ghi nhận mức tăng tới 7 triệu việc làm. Còn Cục Dự trữ Liên bang thì dự báo tỷ lệ thất nghiệp nhích lên mức 5%, nhưng thực tế đã giảm xuống tới 3,5%, mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.
Không chỉ việc làm tăng trưởng, tiền lương cho người lao động cũng tăng mạnh. Chỉ một năm giữ ghế chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump đã đưa thu nhập bình quân hộ gia đình Mỹ lên mức cao kỷ lục 61.372 USD trong năm 2017, khiến 3,9 triệu người Mỹ không còn phải đăng ký nhận trợ cấp thực phẩm.
Cho đến đầu năm 2020, các ước tính cho thấy trong 3 năm nhiệm kỳ Donald Trump, mức lương của người lao động trình độ thấp không có bằng trung học đã tăng vọt tới 9%. “Tiền lương đang ở mức cao nhất từ trước đến nay”, Gary Cohn nhận định.
Một phần nguyên nhân đưa mức lương lao động tại Mỹ tăng nhanh là nhờ đạo luật Việc làm và giảm thuế mà ông Donald Trump ký ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng năm 2017 - kế hoạch giảm thuế quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nhờ đạo luật này, 90% lao động được kỳ vọng sẽ tăng lương nhờ bớt đi gánh nặng thuế, hơn 6 triệu lao động sẽ được hưởng lợi nhờ các phúc lợi tăng thêm do hệ quả trực tiếp của giảm thuế doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán
Trước khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã tuyên bố sẽ coi thị trường chứng khoán như một thước đo quan trọng cho sự thành công của ông trong nhiệm kỳ 4 năm của mình.
Các nhà quan sát nhận định, một số chính sách của Trump dường như được thiết lập riêng để thúc đẩy chứng khoán Mỹ lên một tầm cao mới.
Chỉ trong một năm sau khi nhậm chức, chính sách giảm thuế bước ngoặt của Trump đã đưa hơn 450 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trở về Mỹ. Lợi nhuận doanh nghiệp được “vỗ béo” khiến các công ty điên cuồng đổ tiền mua lại cổ phiếu của chính họ. Cả ba chỉ số chứng khoán chính là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite liên tục lập đỉnh kỷ lục. Các nhà đầu tư phấn khích còn các CEO tung hô thị trường.
Donald Trump gần như bị ám ảnh bởi những biến động hàng ngày của thị trường chứng khoán mà không một vị Tổng thống nào trước Trump sát sao đến thế.
Ông ca ngợi sự trỗi dậy của chứng khoán mỗi khi các chỉ số chính nhảy vọt và lập đỉnh, ông cảnh báo phố Wall sẽ sụp đổ nếu ông bị luận tội hoặc thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 2020. Ông đăng ít nhất 131 tweet về thị trường chứng khoán kể từ khi nhậm chức Tổng thống.
Cho đến đầu năm 2020, hơn một nửa số người Mỹ đã đầu tư vào thị trường chứng khoán dưới thời Donald Trump, tính cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí…
Thị trường thương mại
Trong 3 năm trên cương vị Chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump làm được nhiều điều cho thương mại của Mỹ. Ông đàm phán và thúc đẩy thành công hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới với Canada và Mexico, ông củng cố hoặc triển khai các thỏa thuận thương mại mới với EU, Nhật Bản và Hàn Quốc - những đối tác thương mại lớn bậc nhất của Mỹ.
Quan trọng hơn, Donald Trump được lưỡng đảng Mỹ và đa số công dân ủng hộ trong việc thực thi chính sách cứng rắn với Trung Quốc sau hàng loạt hành vi thương mại không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây tổn thất nặng nề cho lợi ích doanh nghiệp Mỹ. Donald Trump tin tưởng rằng cuộc xung đột thương mại Mỹ Trung mà ông châm ngòi rốt cuộc sẽ đem lại "chiến thắng" cho Mỹ và buộc Bắc Kinh thay đổi các hoạt động thương mại theo hướng mang lại lợi ích cho Washington.
Một khảo sát thực hiện bởi Trung tâm Purdue về Nông nghiệp Thương mại thời điểm đó cũng cho thấy gần 80% nông dân tin tưởng vào những quyết định của ông Trump và cho rằng ngành nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ xung đột thương mại.
Sau gần 2 năm ròng xung đột trên nhiều mặt trận từ thương mại đến thuế quan, hàng loạt nỗ lực của Trump đã kết thúc bằng thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 với phần lợi thế nghiêng về Mỹ.
Nội dung thỏa thuận bao gồm cam kết của Trung Quốc nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong hai năm 2020-2021. Trong đó bao gồm tăng cường nhập khẩu ít nhất 12,5 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm 2020 và 19,5 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm 2021 so với mức 24 tỷ USD hồi 2017. Tức là tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ trong năm 2020 ít nhất 36,5 tỷ USD và năm 2021 ít nhất 43,5 tỷ USD. Chính quyền Trump đã gọi đây là chiến thắng giòn giã mang lại lợi ích đặc biệt cho nông dân Mỹ nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung.
Thị trường năng lượng
Dưới thời Donald Trump, lần đầu tiên kể từ năm 1973, Mỹ vượt mặt Nga và Saudi Arabia trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới với sản lượng dầu mỏ cao nhất trong lịch sử vào năm 2018. Sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ đã định hình lại trật tự năng lượng toàn cầu và làm nên lịch sử cho ngành năng lượng của Mỹ. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong thập niên qua.
“Đó là cột mốc lịch sử và cũng là lời nhắc nhở rằng: đừng bao giờ đánh cược rằng ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ sẽ thua”, Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group, nói.
Ngay từ ngày đầu tranh cử, Donald Trump đã ưu tiên kinh tế như chìa khóa hàng đầu để thúc đẩy các kế hoạch khác. Dưới góc nhìn của một nhà tài phiệt giữ ghế Tổng thống như Trump, kinh tế sẽ là nấc thang đưa Mỹ trở lại thiên đường.
Dưới con mắt của một doanh nhân xuất chúng, kinh tế sẽ là động lực biến Mỹ thành miền đất của những giấc mơ cho chính công dân Mỹ. Và phải khẳng định rằng, 3 năm đầu giữ ghế Tổng thống, Donald Trump đã “hứa được làm được”, đúng như những gì ông tự nhận xét về bản thân mình.
Cho đến tận tháng 2/2020, khi Trung Quốc lao đao vì đại dịch Covid-19, có lẽ Tổng thống Donald Trump vẫn chẳng thể ngờ nó sẽ là đòn giáng nặng nề vào sự nghiệp chính trị và cơ hội tái đắc cử của ông. Chỉ 5 tháng sau, khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 4,4 triệu ca nhiễm và hàng trăm ngàn người tử vong, vận đen đã đến với ngài Tổng thống.
Hãy nhìn cái cách thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh từ tháng 4, sản xuất thì ngừng trệ và xuất nhập khẩu đình đốn khi hàng loạt bang tuyên bố thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Những thành tựu kinh tế mà Trump xây dựng trong suốt 3 năm tại vị nhanh chóng lao dốc, tỷ lệ ủng hộ Trump trong những cuộc khảo sát dư luận ngày càng giảm đi. Lợi thế đang tuột khỏi tay Trump.
Đúng lúc đó, một đòn chí tử khác ập tới với Donald Trump trên mặt trận đối nội: cái chết của người đàn ông da màu George Floyd thổi bùng các cuộc biểu tình, bạo động trên toàn nước Mỹ. Giữa tình huống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông Trump buộc phải tuyên bố nếu chính quyền các tiểu bang bất lực trong kiểm soát bạo động, ông sẽ huy động quân đội quốc gia vào cuộc. Tuyên bố này càng như “đổ dầu vào lửa”, thổi bùng cơn giận dữ trên toàn nước Mỹ và lan sang cả các quốc gia toàn cầu, từ châu Á đến châu Âu.
Khi Donald Trump gọi bạn bạo lực và cướp bóc diễn ra tại Mỹ là “một nỗi ô nhục”, Đảng Dân chủ đã vin vào đó để khơi dậy làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Đối thủ sống còn của Trump trên đường đua Tổng thống, ứng viên Joe Biden của Đảng Dân chủ nhấn mạnh: “Trump đang sử dụng quân đội Mỹ để chống lại chính người dân Mỹ”.
Tăng trưởng GDP Mỹ quý II/2020 chạm mức thấp chưa từng có kể từ năm 1947: -32,9%. Lá bài kinh tế vốn là “quân át chủ bài” mở ra cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ tới của Trump, giờ đây bỗng bị giáng đòn chí mạng do cuộc khủng hoảng đại dịch. Tỷ lệ ủng hộ Trump qua các cuộc khảo sát dư luận ngày càng giảm đi. Theo thống kê mới nhất của trang mạng Real Clear Politics, tỉ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden là 50,6%, trong đương kim Tổng thống Donald Trump chỉ giành được 41,3% tỷ lệ ủng hộ. Tức là Biden hiện dẫn trước Trump tới 9,3 điểm.
Nhưng còn quá sớm để cho rằng Donanld Trump “thất thế” trước Joe Biden. Nên nhớ rằng năm 2016, các cuộc khảo sát cũng chỉ ra ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton được ưa thích hơn Trump, nhưng cuối cùng ông trùm tài phiệt New York mới là người bước chân vào Nhà Trắng.
Đăng nhận xét