Nước lũ đang rút dần, tuy nhiên trận mưa như trút nước đã phong tỏa toàn bộ các thị trấn ở tỉnh Bờ biển Thái Bình Dương và cắt đứt lối vào cảng lớn nhất của đất nước ở Vancouver, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng.
Thủ hiến John Horgan ban bố tình trạng khẩn cấp và cho biết số người chết sẽ còn tăng lên. Cảnh sát cho biết thêm 4 người đang mất tích. Nhiều thị trấn bị ảnh hưởng nằm ở các khu vực miền núi ở phía đông và đông bắc của Vancouver với khả năng tiếp cận hạn chế.
Bộ trưởng Nội các tỉnh đã nói trong một cuộc họp báo hôm 18/11 rằng một số đường cao tốc chính đang bắt đầu mở cửa trở lại.
Một số thị trấn báo cáo tình trạng thiếu nhiên liệu. Phó Thủ tướng Mike Farnworth cho biết tỉnh đang thăm dò xem liệu có nên nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ hay nước láng giềng Alberta hay không.
Tại Ottawa, Bộ trưởng liên bang về công tác chuẩn bị khẩn cấp, Bill Blair, cho biết dòng nước lũ đã bắt đầu chảy chậm lại. Ông nói với các phóng viên: "Tình hình vẫn còn nguy hiểm, nhưng trên thực tế đã có sự cải thiện".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp tỉnh Lana Popham cho biết nguồn cung cấp lương thực đã được đảm bảo. "Chúng tôi đã sắp xếp lại các tuyến đường để đưa thực phẩm đến tay mọi người, đảm bảo là tất cả sẽ có đủ thức ăn", bà nói.
Lũ lụt cũng gây ảnh hưởng đến bang Washington của Mỹ, như Tổng thống Joe Biden lưu ý trước cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ông nói trong Phòng Bầu dục: "Chúng tôi đã là bạn tốt của nhau trong một thời gian dài. Cả hai chúng tôi đều quan tâm đến những gia đình gặp nạn bởi bão lũ ở khu vực British Columbia và Tây Bắc Thái Bình Dương".
Nước bắt đầu rút
Có thời điểm, thành phố Abbotsford, phía đông Vancouver, lo ngại nước sẽ tràn vào trạm bơm và buộc toàn bộ 160.000 cư dân phải sơ tán. Mặc dù vậy, Thị trưởng Henry Braun cho biết tình trạng của trạm không có gì thay đổi và nước đang rút dần ở một số đoạn.
Braun nói với các phóng viên: "Tiếp theo là giai đoạn khắc phục tình trạng khẩn cấp này, đừng quên rằng dự báo sẽ còn nhiều trận mưa lớn hơn trong tuần tới".
Ông cũng cho biết thêm Trudeau và các bộ trưởng tỉnh khác đã hứa giúp đỡ. "Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của mọi người! Chi phí sẽ vô cùng lớn", ông nói, ước tính chi phí khắc phục thiệt hại lên tới 1 tỷ đô la Canada (792 triệu đô la Mỹ).
Khi được hỏi tổng chi phí sửa chữa là bao nhiêu, Farnworth, phó thủ tướng, nói: "Con số rất lớn! Nhưng bạn hãy yên tâm là tỉnh có đủ năng lực tài chính để tái thiết".
"Đây là thảm họa thiên nhiên đắt giá nhất trong lịch sử Canada", giáo sư kinh tế Blake Shaffer của Đại học Calgary đăng tải trên Twitter.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính trận cháy rừng lớn ở British Columbia trong đợt nắng nóng vào mùa hè vừa qua có thể đã khiến các ngọn đồi không còn thảm thực vật, góp phần gây ra lũ lụt và lở đất.
Đăng nhận xét