Vì sao các tỷ phú, chính khách giàu nhất nước Mỹ vắng mặt trong Hồ sơ Pandora?

Daily Mail cho biết, cựu Tổng thống Donald Trump là cái tên hiếm hoi ở Mỹ được nhắc đến trong Hồ sơ Pandora do có liên quan đến một dự án khách sạn ở Panama. Tuy nhiên, các tài liệu trong Hồ sơ Pandora không tiết lộ bất cứ điều gì đáng kể về tài sản của ông Trump.

Theo Daily Mail, các chuyên gia tài chính nói rằng, sự vắng mặt của nhiều người giàu nhất ở Mỹ trong Hồ sơ Pandora có thể liên quan đến mức thuế thấp đáng kể mà giới siêu giàu nước này phải đóng ở trong nước khiến họ không cần các "thiên đường thuế" ở nước ngoài. Hoặc nói cách khác, các tỷ phú Mỹ phải đóng thuế quá thấp nên họ không cần phải tìm cách trốn thuế.

Bất ngờ lớn: Các tỷ phú, chính khách giàu nhất nước Mỹ vắng mặt trong Hồ sơ Pandora, vì sao vậy? - Ảnh 1.

Các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ như Bill Gates Jeff Bezos, Elon Musk và Warren Buffett không bị điểm tên trong Hồ sơ Pandora. Ảnh Daily Mai.

Trên thực tế, các tỷ phú Bezos, Buffet, Musk và Gates được cho là có ít động lực để sử dụng các thiên đường thuế ở nước ngoài do mức thuế họ phải trả trong nước rất thấp.

Theo một báo cáo của Forbes được công bố vào tháng 6, 25 người giàu nhất nước Mỹ chỉ phải đóng "mức thuế thực" là 3,4% cho khối tài sản tăng trưởng 401 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018.

Tỷ phú Bezos được cho là đã đóng mức thuế thực là 0,98% trong khi tỷ phú Buffet và Musk đóng mức thuế tương ứng là 0,1% và 3,27%.

Vào năm 2018, tỷ phú Bill Gates đã thừa nhận rằng bản thân ông cần phải đóng nhiều thuế hơn.

"Tôi cần phải đóng thuế cao hơn… Tôi đã đóng nhiều thuế hơn, hơn 10 tỷ USD - nhiều hơn bất kỳ ai khác, nhưng chính phủ nên yêu cầu những người ở vị trí giống như tôi phải đóng thuế cao hơn nữa", tỷ phú Gates chia sẻ với CNN vào thời điểm đó.

Thậm chí, Hồ sơ Pandora còn cho thấy, bang Nam Dakota của Mỹ đang nổi lên là một "thiên đường thuế" giúp giới siêu giàu và tinh hoa ở nhiều quốc gia che giấu những khối tài sản khổng lồ.

Theo đó, các quỹ tín thác ở Nam Dakota đã tăng gấp 4 lần quy mô trong khoảng thời gian 10 năm lên 360 tỷ USD. Tiểu bang này của Mỹ được cho là nơi che đậy hàng tỷ USD tài sản liên quan các cá nhân từng bị cáo buộc là tội phạm tài chính nghiêm trọng.

Mặt khác, một số chuyên gia lại suy đoán rằng, có thể giới siêu giàu ở Mỹ sử dụng các thiên đường thuế khác, chẳng hạn như quần đảo Cayman, vốn không được phản ánh trong Hồ sơ Pandora.

Hồ sơ Pandora chỉ bao gồm các tài liệu của 14 hãng dịch vụ tài chính đang hoạt động ở Thụy Sĩ, Singapore, đảo Cyprus, Belize, quần đảo Virgin (thuộc Anh)...

Vì thế, các chuyên gia phân tích Hồ sơ Pandora cho rằng, giới tỷ phú hoặc các chính khách Mỹ giàu sụ có thể đã sử dụng các công ty khác hoặc các quỹ ủy thác nước ngoài ở các khu vực khác không được đề cập đến trong Hồ sơ Pandora để che giấu tài sản của họ.

Adblock test (Why?)