Vì sao đất nước này quyết liệt trục xuất các quan chức LHQ, hậu quả là gì?

Vì sao đất nước này quyết liệt trục xuất các quan chức LHQ, hậu quả là gì? - Ảnh 1.

Những người tị nạn chờ đợi để được phân phát thực phẩm ở Mekele, thủ phủ của vùng Tigray của Ethiopia, vào ngày 22/6/2021. Ảnh Getty

Theo VOX, cuộc nội chiến giữa chính phủ liên bang Ethiopia và khu vực phía bắc Tigray của đất nước, bắt đầu vào cuối năm ngoái, đã dẫn đến những hành động tàn bạo trên diện rộng và gây ra tình trạng đói nghèo ở nhiều vùng của đất nước. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã quyết định trục xuất các quan chức Liên Hợp Quốc (LHQ) khỏi nước này sau khi họ nêu quan ngại về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở đây.

Các quan chức Liên Hợp Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng, chính phủ Ethiopia đang ngăn chặn việc vận chuyển các nguồn cung cấp thiết yếu - như thuốc men, thực phẩm và nhiên liệu - vào khu vực Tigray. Theo đó, chỉ khoảng 10% nguồn cung cấp nhân đạo cần thiết được cho phép đưa vào khu vực. Mới đây, Liên Hợp Quốc cũng ra một báo cáo cảnh báo khu vực này đang trên bờ vực của nạn đói.

Thông báo trục xuất hôm thứ Năm tuần trước của Thủ tướng Abiy, chỉ cho các quan chức LHQ 72 giờ để rời khỏi đất nước. Mặc dù việc một quốc gia trục xuất các quan chức LHQ không phải là điều chưa từng có tiền lệ, nhưng với Ethiopia, đây là một điều bất thường và theo New York Times, quyết định của ông Abiy đã tạo ra một trong những vụ trục xuất các quan chức LHQ lớn nhất trong lịch sử, vượt xa việc Syria trục xuất 3 quan chức LHQ vào năm 2015 .

Tuy nhiên, vào thứ Bảy 2/10, vẫn chưa rõ liệu 7 quan chức LHQ đã rời khỏi Ethiopia hay chưa - và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bác bỏ động thái này. Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu tuần trước, ông Guterres khẳng định rằng, Liên Hợp Quốc “hiện đang đàm phán với chính phủ Ethiopia trong kỳ vọng rằng các nhân viên LHQ có liên quan sẽ được phép tiếp tục công việc quan trọng của họ".

Các quan chức Mỹ cũng lên án việc Thủ tướng Abiy trục xuất các quan chức Liên Hợp Quốc.

“Việc trục xuất phản tác dụng đối với những nỗ lực quốc tế nhằm giữ an toàn cho dân thường và cung cấp hỗ trợ nhân đạo để cứu người cho hàng triệu người đang cần cứu trợ khẩn cấp”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố.

Chính phủ của Thủ tướng Abiy đã biện minh cho lệnh trục xuất bằng cách cáo buộc các quan chức Liên Hợp Quốc “can thiệp” vào các vấn đề của Ethiopia.

Tuy nhiên, quyết định trục xuất được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi người đứng đầu Tổ chức Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc, hay OCHA cảnh báo về nạn đói ở Tigray đang đe dọa 6 triệu người. OCHA cũng công bố một báo cáo cho thấy 79% phụ nữ mang thai hoặc cho con bú ở Tigray bị suy dinh dưỡng, đồng thời nhiên liệu và thuốc men đã không đến được khu vực này kể từ tháng Bảy.

Theo LHQ, 5,2 triệu người ở Tigray - chiếm khoảng 90% dân số - đang cần hỗ trợ nhân đạo để tồn tại. Theo đó, cần khoảng 100 xe tải chở đầy hàng hóa đổ vào khu vực mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có 606 phương tiện như vậy được đưa vào Tigray kể từ ngày 12/7, New York Times đưa tin.

 Năm 2018, Thủ tướng Abiy lên nắm quyền ở Ethiopia, hứa hẹn thúc đẩy các cuộc bầu cử dân chủ và giải phóng các tù nhân chính trị, thậm chí là môi giới hòa bình với nước láng giềng Eritrea, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm. Năm sau, ông được trao giải Nobel Hòa bình vì đã chấm dứt cuộc xung đột đó - nhưng cuối cùng một năm sau đó, Ethiopia lại rơi vào một cuộc nội chiến tàn khốc. 

Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc xung đột có hồi kết hay không. Cuộc chiến ở Tigray đã tràn sang các bang lân cận ở Ethiopia và khiến hơn 1,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Adblock test (Why?)