Thủ tướng Najib Mikati cùng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Riad Salameh là hai trong số những quan chức chính trị và tài chính Lebanon có tên trong Hồ sơ Pandora, làm lộ ra khối tài sản đồ sộ ẩn giấu trong các thiên đường thuế ở nước ngoài. Sự việc này đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, đặc biệt là trong thời điểm mà hàng triệu người Lebanon thậm chí không thể tiếp cận tiền gửi tiết kiệm của họ trong ngân hàng.
Hồ sơ Pandora, được công bố vào hôm Chủ nhật ngày 3/10, bao gồm 11,9 triệu tệp tin mật bị rò rỉ bởi Hiệp hội Báo chí Điều tra Quốc tế (ICIJ), trong đó có tên của 330 chính trị gia và quan chức nhà nước, 35 lãnh đạo quốc gia đương nhiệm cũng như cựu lãnh đạo từ 91 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các tài liệu cho thấy Mikati, Thủ tướng tỷ phú mới được tái bổ nhiệm của Lebanon, sở hữu một công ty nước ngoài có trụ sở tại Panama, ông đã sử dụng công ty này để mua khối tài sản trị giá 10 triệu USD ở Monaco.
Con trai ông, Maher, sở hữu ít nhất hai công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, tại đây ông từng mua một văn phòng ở trung tâm London cho công ty đầu tư quốc tế của gia đình Mikati, M1 Group, cuộc điều tra tiết lộ.
Maher nói với Al Jazeera rằng: "Việc mua công ty nước ngoài có thể được coi là hình thức trốn thuế đối với Mỹ và EU, nhưng ở Lebanon thì không". Maher chia sẻ với ICIJ rằng việc sở hữu bất động sản thông qua các đơn vị nước ngoài mang lại sự "linh hoạt" hơn khi cho thuê và trao thừa kế, cũng như "lợi thế về thuế tiềm năng".
Thủ tướng Mikati cũng đưa ra một tuyên bố đáp lại những chỉ trích, ông cho biết: "Kể từ khi thành lập, Tập đoàn M1 (doanh nghiệp của gia đình Mikati) - và tất cả các công ty con trên toàn thế giới - đã duy trì sự tách biệt giữa công và tư".
Tuyên bố nói thêm rằng doanh nghiệp gia đình này tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu và thường xuyên tham khảo ý kiến của các kiểm toán viên. Ngoài ra, ông cho biết tài sản của gia đình Mikati được tích lũy từ trước khi ông tham gia chính trị và cũng đã được thẩm tra bởi Hội đồng Hiến pháp Lebanon.
"Thật đáng tiếc, Hồ sơ Pandora đã biến mọi cá nhân cũng như doanh nghiệp trở thành tâm điểm của sự chỉ trích chỉ với việc nằm trong danh sách đó – điều này đi ngược lại với sự tự do trong việc quản lý nền kinh tế thị trường, các nguyên tắc mà gia đình Mikati luôn bảo vệ".
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon Riad Salameh là mục tiêu của một số cuộc điều tra. Vào tháng 7, các công tố viên Pháp đã mở một cuộc điều tra về những cáo buộc rửa tiền đối với vị giám đốc ngân hàng trung ương lâu năm này.
Bên cạnh đó, các quan chức Lebanon khác được liệt kê là sở hữu toàn bộ hoặc một phần các công ty nước ngoài bao gồm người tiền nhiệm của Mikati là Hassan Diab, doanh nhân kiêm cựu nghị sĩ Neemat Frem và Phó Giám đốc điều hành nhóm của Ngân hàng Audi Ibrahim Debs.
Marwan Kheireddine, chủ tịch Ngân hàng Al-Mawarid và là một cựu bộ trưởng, được tiết lộ sở hữu hai công ty nước ngoài ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, một công ty chung vốn với cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mohammad Baasiri. Công ty còn lại thuộc sở hữu của anh rể ông là Iqbal Mirchi, người bị cảnh sát Ấn Độ truy nã cách đây chưa đầy một thập kỷ vì tội buôn bán ma túy.
Các hồ sơ cho thấy Kheireddine cùng anh trai của ông đã đăng ký 6 công ty ở Anh, 4 trong số đó được thành lập chỉ vài tháng trước khi cuộc khủng hoảng tài chính của Lebanon bắt đầu diễn ra vào tháng 9 năm 2019. Vào tháng 8 năm 2020, Kheireddine bị chỉ trích vì mua một căn hộ áp mái trị giá 9,9 triệu USD ở New York từ nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Jennifer Lawrence.
Thành lập các công ty nước ngoài chưa chắc đã là bất hợp pháp, nhưng nhiều khả năng nó sẽ trở thành một công cụ đắc lực để trốn thuế, rửa tiền và thực hiện các hoạt động tài chính bất chính khác.
Alia Ibrahim, từ tổ chức truyền thông Lebanon độc lập Daraj, một trong nhiều đối tác địa phương với ICIJ, cho biết Hồ sơ Pandora được công bố đúng vào thời điểm người dân Lebanon đang gặp khó khăn về mặt tài chính nhất.
Ibrahim nói với Al Jazeera: "Hiện tại, trong khi phần lớn người Lebanon đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, tiền gửi của họ bị mắc kẹt trong các ngân hàng, thì một số quan chức lại lợi dụng quyền lực của mình để tích trữ cho cá nhân, chuyển tiền của họ ra những vùng 'thiên đường'. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ nghiêm trọng. Bây giờ là lúc các cơ quan tư pháp phải điều tra".
Vào tháng 9 năm 2019, do khan hiếm ngoại tệ, các ngân hàng thương mại ở Lebanon đã áp đặt giới hạn rút tiền đô la Mỹ, khiến cả nước rơi vào hoảng loạn. Đồng bảng Lebanon mất khoảng 90% giá trị trong vòng chưa đầy hai năm. Các ngân hàng liên tục đóng cửa, cuối cùng phải ngừng tất cả các hoạt động rút và chuyển tiền đô la Mỹ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị tại Lebanon đẩy người dân vào cảnh nghèo đói. Ảnh: Getty
Vào tháng 7 năm 2020, cựu Tổng giám đốc Bộ Tài chính Alain Bifani cho biết các ngân hàng của Lebanon đã "tuồn" tới 6 tỷ đô la ra khỏi đất nước trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020. Bifani đã từ chức để phản đối cách chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng tài chính của Lebanon hai tuần trước những tuyên bố này.
Các nhóm hoạt động trên thế giới đã yêu cầu Lebanon điều tra những vụ chuyển tiền này. Liên hợp quốc ước tính rằng gần 3/4 dân số Lebanon ngày nay sống trong cảnh nghèo đói và 1/4 dân số cần hỗ trợ lương thực.
Ibrahim lo ngại rằng, mặc dù Hồ sơ Pandora có thể giúp điều tra nạn tham nhũng tràn lan trong nhiều thập kỷ, thì việc thiếu một cơ quan tư pháp độc lập có trách nhiệm có thể đồng nghĩa với việc thủ phạm của những tội ác này sẽ không bị truy cứu.
Bà nói: "Chúng tôi là một đất nước đã mất tất cả. Nếu chúng tôi không làm gì, lịch sử sẽ lặp lại một lần nữa".
Đăng nhận xét