Chúng đặt nền móng và đưa ra định hướng rất khác trước cho hành động của Nhật Bản trong thời gian tới về an ninh, quân sự và quốc phòng ở bên trong cũng như bên ngoài phạm vi lãnh thổ đất nước.
Ba văn kiện chính sách này là Chiến lược an ninh quốc gia, Định hướng chương trình quốc phòng quốc gia và Chương trình quốc phòng trung hạn. Cả ba văn kiện này đều mở đường cho việc hiện đại hoá và tăng cường rõ rệt tiềm lực quân sự và quốc phòng của Nhật Bản để đảm bảo an ninh quốc gia và nâng cao vai trò, ảnh hưởng về chính trị an ninh khu vực, châu lục và thế giới cho Nhật Bản. Chúng đều xoay quanh ba nội dung chủ chốt hàm chứa bước chuyển quyết định từ hiến pháp hiện hành sang cách tiếp cận và tinh thần hoàn toàn khác.
Nội dung thứ nhất là sự xác định thách thức và mối đe doạ lớn nhất, hiện diện cụ thể cũng như tiềm tàng nhất đối với an ninh của Nhật Bản hiện tại cũng như trong tương lai là Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Vì những thách thức và đe doạ an ninh này mà Nhật Bản phải điều chỉnh chiến lược và vượt qua những hạn chế cương toả của hiến pháp hiện hành.
Ba nước kia cũng là đối tượng đối phó chính mà sự điều chỉnh chiến lược này nhằm tới. Trên phương diện này, Nhật Bản với chiến lược mới không khác biệt cơ bản gì những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống quan trọng nhất của Nhật Bản là Mỹ và Hàn Quốc ở khu vực Đông Á.
Nội dung thứ hai là tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm từ mức độ khoảng 1% GDP hiện tại lên mức 2% GDP - giống như Nato đã thống nhất áp dụng cho các nước thành viên Nato.
Tăng rất mạnh mẽ ngân sách quốc phòng hàng năm như thế giúp gia tăng rất đáng kể tiềm lực quân sự và quốc phòng, qua đó nâng cao đáng kể năng lực thực tế của Nhật Bản cho những hoạt động quân sự ở bên trong cũng như bẻn ngoài phạm vi lãnh thổ Nhật Bản.
Nội dung thứ ba được khái quát hoá trong cụm từ "phản công quân sự" với hàm ý tiến hành những cuộc tấn công quân sự nhằm vào hang ổ của những mối đe doạ an ninh đối với Nhật Bản ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ Nhật Bản.
Đặt những mục tiêu và định hướng này của sự điều chỉnh chiến lược của Nhật Bản vào bối cảnh tình hình chính trị an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á cũng như trên thế giới có thể thấy được rất rõ tác động rất quyết định của việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa và của cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine trong thời gian qua.
Rõ ràng là Nhật Bản đã chuyển sang toan tính và chủ ý là không những chỉ cần phòng thủ những tên lửa phóng từ Triều Tiên sang mà còn phải sẵn sàng tấn công quân sự nhằm trực tiếp vào những bệ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Trong tính toán chiến lược của Nhật Bản, cuộc chiến ở Ukraine đã làm cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc thêm bền chặt, Nhật Bản ở cùng phe với Mỹ và Nato phản đối Nga nên quan hệ giữa Nhật Bản với Nga không thể có cơ hội được cải thiện và Trung Quốc sẽ tuỳ vào diễn biến cũng như kết cục cuối cùng của cuộc chiến ở Ukraine để hành động ở khu vực Đông Bắc Á, cụ thể hơn cả là đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và khu vực Biển Đông.
Nga và Trung Quốc ngoài ra sẽ không đứng im nhìn Nhật Bản thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh với các đối tác ở trong cũng như ở bên ngoài khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gây dựng ảnh hưởng và vai trò cả về chính trị lẫn kinh tế, thương mại, đầu tư ở khu vực lớn này. Nhìn nhận như thế sẽ thấy Nhật Bản rất thức thời khi nhanh chóng điều chỉnh chiến lược. Cũng có thể nói một thời kỳ mới đã được chính phủ Nhật Bản mở ra cho đảo quốc này trên phương diện chính trị an ninh, quân sự cà quốc phòng cũng như quan hệ với thế giới bên ngoài.
Đăng nhận xét