Thưa Đại sứ, phải nói rằng, ít ai ngờ được cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài nhiều tháng trời với nhiều tổn thất đến thế. Vừa là một nhà ngoại giao, vừa là một nhân chứng sống trong những khoảnh khắc thực tế nhất của cuộc chiến, Đại sứ cảm nhận như thế nào về cuộc xung đột này?
ĐS Nguyễn Hồng Thạch: Không những là đại sứ, là người chứng kiến cuộc xung đột, tôi còn là người đã có những năm tháng thanh xuân tươi đẹp sống cả ở Kyiv lẫn Mátxcơva. Cảm nhận chung của thế hệ chúng tôi là rất buồn. Chúng tôi không thể nghĩ có một ngày những người Nga và những người Ucraina đều là bạn của Việt Nam lại quay ra bắn giết nhau. Hơn thế nữa, thế hệ cha ông của những người hôm nay cầm súng chĩa vào nhau đã cùng chiến đấu trên một chiến hào trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Cuộc sống đổi thay, thế giới đổi thay, nhưng thay đổi đến 180 độ như vậy thì rõ ràng là còn có những nhân tố khác, ngoài Nga và Ucraina. Tôi tin chắc trong cuộc chiến này cả Nga và Ucraina đều là bên mất.
Lẽ ra người ta đã có thể bình tĩnh để nói chuyện với nhau để tránh đổ máu, nhưng cơ hội đấy đã bị bỏ qua và hai bên đều đã đi quá xa để có thể ngồi lại với nhau. Không phải là chỉ là tiếc mà là đau lòng.
Chứng kiến Ukraine từ những ngày đầu xảy ra xung đột, đảm nhiệm trách nhiệm nặng nề để bảo hộ công dân Việt Nam, đến nay, những thời điểm khó khăn và câu chuyện nào khiến Đại sứ nhớ nhất?
ĐS Nguyễn Hồng Thạch: Trước tiên phải nói chiến tranh luôn bất ngờ dù có nhiều lời cảnh báo chiến tranh có thể xảy ra, thậm chí còn có thông tin về ngày chiến tranh sẽ nổ ra. Nhưng cảnh báo vẫn là cảnh báo. Đến ngay cả đại sứ một số nước NATO sau này cũng chia sẻ với tôi là họ không tin vào cảnh báo của Mỹ và Anh lúc đó. Ngay bây giờ, nhìn lại cuộc chiến, những người ra quyết định có lẽ cũng thấy mình đã sai lầm. Thấy sai lầm nhưng vẫn phải "theo lao". Như vậy, nói gì đến những nhà ngoại giao đứng ngoài quan sát. Theo logic và phân tích, một cuộc chiến như vậy là mất mát rất lớn và vì thế khó có khả năng xảy ra. Nhưng thực tế đã xảy ra và gây bất ngờ cho hầu khắp tất cả những người theo dõi.
Chiến tranh là một tình huống rất không bình thường nên có nhiều điều để nhớ. Nhưng điều tôi nhớ nhất có lẽ là không khí căng thẳng khi họp trực tuyến với lãnh đạo cộng đồng Việt Nam ở Kyiv để tổ chức cho bà con đi sơ tán. Khi chiến tranh xảy ra, nhiều người nghĩ chiến tranh sẽ qua nhanh, thậm chí không cần sơ tán. Nhưng qua ngày thứ 2 của cuộc chiến, đại sứ quán đã nhận định chiến tranh sẽ giằng co và không thể không sơ tán được. Chúng tôi đã bàn với lãnh đạo hội người Việt tại các thành phố lớn Kyiv, Odessa, Kharkov để triển khai sơ tán. Qua nguồn tin riêng tôi hiểu là triển khai như đã bàn sẽ gặp khó khăn nên đã 9h đêm ngày thứ 3 của chiến tranh tôi vẫn cho triệu tập cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo cộng đồng tại Kyiv. Cuộc họp diễn ra khá căng thẳng vì thực ra người làm công tác cộng đồng cũng "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Chiến tranh xảy ra tất cả đều phải lo cho gia đình mình trước tiên, không còn có thể vác tù và như thời bình được nữa. Chính vì thế việc tổ chức cho bà con đi ra ga tầu để sơ tán thôi cũng rất khó khăn. Tôi kiên quyết là tổ chức thành từng nhóm và yêu cầu tổ chức các chuyến xe con thoi để đưa bà con ra ga. Đại sứ cũng chỉ yêu cầu được thôi chứ có thể ép thực hiện được đâu?! Chúng ta làm công tác sơ tán có thể chậm hơn Mỹ, Anh nhưng chúng ta đã hoàn thành sớm hơn nhiều cộng đồng và kết quả cuối cùng là rất may cộng đồng Việt Nam không có tổn thất nào về người trong suốt cuộc chiến (trừ 1 trường hợp đi nghĩa vụ quân sự).
Còn nhớ, năm 2016, lúc đó ông đang là Đại sứ Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria thì cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này cũng bùng nổ dữ dội. Bối cảnh có thể khác nhau, nhưng nỗi đau của chiến tranh, số phận của các nạn nhân chiến tranh chắc có nhiều điểm chung, phải không Đại sứ?
ĐS Nguyễn Hồng Thạch: Khi làm Đại sứ tại Iran tôi có kiêm nhiệm Iraq và Syria nhưng do chiến tranh tôi cũng chỉ trình được thư ủy nhiệm ở Iran và Iraq chứ chưa sang được Syria và Việt Nam cũng không có công dân bên đó. Nhưng công tác ở Trung Đông mảnh đất không có ngày yên tĩnh, tôi thấm thía trong chiến tranh không có bên chiến thắng và người dân ở đâu cũng là nạn nhân. Khi xung đột Yemen nổ ra tôi có gặp và trao đổi với Đại sứ Yemen ở Iran về triển vọng hòa bình. Đại sứ Yemen nói với tôi: "chúng tôi muốn nói chuyện bên bàn đàm phán không muốn nói chuyện trên chiến trường". Một câu nói rất hay và Đại sứ Yemen nghĩ cuộc chiến sẽ kết thúc sớm. Nhưng cho đến nay đã 8 năm chiến tranh vẫn chưa dừng. Như vậy, ngay cả khi người Yemen muốn ngồi bên bàn đàm phán để giải quyết bất đồng vẫn có những thế lực không muốn và không để cho họ ngồi với nhau. Chiến tranh không đơn giản giữa các lực lượng đối lập trong một nước, giữa xâm lược và bị xâm lược mà còn phức tạp hơn thế nhiều. Đôi khi có cả những người đứng bên ngoài đẩy các bên vào cuộc chiến và vì những lý do khác nhau người ta chui vào cái bẫy đó. Trong các cuộc chiến đấy tất cả đều mất và người dân là mất mát nhiều nhất.
Còn ở Ukraine, ngoại giao thời chiến có điều gì khiến Đại sứ ấn tượng?
ĐS Nguyễn Hồng Thạch: Nghề ngoại giao là nghề làm đại diện cho đất nước làm việc với các cơ quan công quyền của nước sở tại và với ngoại giao đoàn. Bình thường công việc đó đâu có thể vất vả. Nhưng chiến tranh tất cả đều vất vả và các nhà ngoại giao cũng không là ngoại lệ. Khi đi sơ tán, lên được tầu đã là may mắn nên tôi chuẩn bị cho mình một cách gọn nhẹ nhất và "dã chiến" nhất. Nhưng nghề ngoại giao là gặp gỡ và trao đổi thông tin. Những dịp tiếp xúc là những lúc các nhà ngoại giao "hành nghề". Đến khi có đại sứ một nước tổ chức quốc khánh ở nơi sơ tán mình cũng phải tranh thủ đi. Thật không nghĩ có ngày đại sứ đi dự quốc khánh trong quần bò và áo phông! Có những lúc viết báo cáo mà cửa sổ rung lên bần bật vì sức ép của tiếng nổ. Cũng phải tự bảo mình để yên tâm ngồi làm việc. Tôi có một lý thuyết đơn giản, mình không ở gần các căn cứ là mục tiêu tấn công và Nga không đủ tên lửa và bom để rải khắp. Còn nếu xác suất hòn tên mũi đạn thì ngay đi trên vỉa hè cũng có thể bị tai nạn giao thông. Nói thế để vượt qua khó khăn. Lý thuyết là như vậy, nhưng không phải ai cũng vượt qua được khó khăn. Có những lúc Hà Nội cũng đặt vấn đề có cần phải sơ tán, nhưng với kinh nghiệm thực tế, chúng tôi báo cáo là một nhóm cán bộ đại sứ quán vẫn có thể trụ lại an toàn được. Vì công việc phải có một nhóm cán bộ bám trụ.
Khi tôi xem những hình ảnh về chiến sự Ukraine trên các phương tiện truyền thông quốc tế, bất luận là bên nào gây ra, trái tim tôi cũng thấy nặng trĩu. Nhưng, nếu như, tôi đặt giả định thôi, là những hình ảnh đó chưa phản ánh sự trung thực của sự kiện, hay những thông tin mà dư luận đang tiếp nhận chưa đúng với bản chất câu chuyện. Nói khác đi, ngoài cuộc chiến bằng súng đạn thì vẫn có một cuộc chiến của thông tin? Như vậy, phải chăng tin giả đang góp phần làm sâu sắc hơn nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh, của dư luận và làm trầm trọng hơn những gì thực sự đang xảy ra?
ĐS Nguyễn Hồng Thạch: Bên cạnh cuộc chiến súng đạn bao giờ cũng có cuộc chiến thông tin. Song có lẽ cuộc chiến thông tin lần này "ác liệt" hơn các cuộc chiến thông tin khác vì tiềm năng triển khai chiến tranh thông tin của các bên (không chỉ 2 bên) lớn hơn các cuộc chiến tranh khác nhiều. Làm ngoại giao trong một thế giới thông tin rất nhiều nhiễu thông tin, thật không đơn giản để tìm ra đâu là thông tin thật. Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina cố gắng tối đa để có thể chắt lọc những thông tin gần với sự thật nhất để báo cáo.
Chúng ta phản đối chiến tranh và không bao giờ đồng tình với chiến tranh. Tôi cũng không đánh giá là chiến tranh lần này không tàn khốc, nhưng chúng ta có thể so sánh: Việt Nam đã phải rút đại sứ quán ở Nam Tư và Iraq khi có chiến tranh, nhưng chưa rút đại sứ quán ở Ucraina. Hiện nay vẫn có hơn 30 đại sứ quán đang hoạt động ở Kyiv. Nếu chiến tranh khốc liệt như ở những nơi khác, chắc chắn các nước đều đã rút đại sứ quán của mình. Có nhiều khi chúng tôi đi ra ngoài nhà hàng nhưng không có chỗ để ngồi vì đông quá. Chiến tranh vẫn khốc liệt nhưng không hoàn toàn như một số thông tin đưa. Không phải tất cả thông tin về chiến tranh đều đúng và không ít thông tin đúng là có phần khoét sâu hơn nữa mâu thuẫn giữa Ucraina và Nga.
Cuộc chiến này, nói cho cùng, như nhà thơ Nguyễn Duy, người chiến bại vẫn là nhân dân. Mọi đau khổ, chết chóc, mất mát… vẫn là người dân gánh chịu. Ở góc nhìn đó, đại sứ chia sẻ như thế nào đến người dân 2 quốc gia?
ĐS Nguyễn Hồng Thạch: Tôi kịp ở Ucraina hơn một năm trước khi chiến tranh nổ ra. Tôi đã kịp đi khắp Đông Tây Nam Bắc của Ucraina vì tôi là người thích đi, thích tìm hiểu. Có thể Ucraina còn gặp nhiều khó khăn kinh tế, nhưng là đất nước thật tươi đẹp. Khi chiến tranh nổ ra tôi luôn nghĩ sao có thể để đất nước tươi đẹp như thế này bị tàn phá. Tôi ấn tượng mãi với một bức ảnh chiến trường: một cánh đồng bao la vàng rực rỡ nhưng đầy khỏi lửa của đạn pháo. Không có gì thể hiện rõ hơn vẻ đẹp Ucraina bị tàn phá hơn bức ảnh đó.
Một hôm tôi thấy thư ký của Đại sứ quán mắt đỏ hoe. Hỏi thăm, hóa ra người thân của cô hy sinh. Rồi một hôm một công dân Việt Nam đến đại sứ quán hỏi chuyện thì nhà anh bị phá hết, con rể người Ucraina hy sinh. Thấy nước mắt của người đàn ông đấy tôi cũng không thể cầm lòng. Những lúc đó chiến tranh không còn là những con số mà là những câu chuyện ngay sát mình, với những con người rất cụ thể. Rồi tin pháo bắn sang đất Nga và cũng không ít người dân vô tội trên đất Nga ra đi vĩnh viễn. Đối với các chính trị gia chiến tranh chỉ là các con số, nhưng với mỗi gia đình có người thân ra đi thì đó là những mất mát không lấy lại được. Ở thế kỷ này ở giữa châu Âu càng không thể chấp nhận được những mất mát như vậy cho người dân.
Từ chiến sự Nga-Ukraine, đâu đó đã có ý kiến về một thế chiến thứ 3, nếu như không có một giải pháo tối ưu cho Nga- Ukraine. Ông nghĩ thế nào về việc đó?
ĐS Nguyễn Hồng Thạch: Không phải không có khả năng cho một thế chiến thứ 3. Có những nơi họ muốn chiến tranh xảy ra ở nơi khác chứ không muốn chiến tranh xảy ra trên đất của mình, họ sẽ tìm mọi cách để cuộc chiến hôm nay không mở rộng thành chiến tranh thế giới. Đây là điều để chiến tranh khó có thể mở rộng. Nhưng người ta đã có thể sai lầm để làm nổ ra cuộc chiến tranh này thì không phải không thể có sai lầm tiếp để biến nó thành cuộc chiến tranh thế giới.
Hòa bình là sự chắt chiu, là sự khôn khéo nhưng cao hơn tất cả chính là sự chân thành. Hòa bình đó là thành quả, đó cũng là khát vọng, Đại sứ có đồng ý với quan điểm này không?
ĐS Nguyễn Hồng Thạch: Tôi rất đồng ý hòa bình đấy là kết quả của sự khôn khéo. Để bị kéo vào chiến tranh đơn giản, nhưng để tránh một cuộc chiến tranh đòi hỏi phải rất khéo léo. Chắt chiu đã đành, phải biết quý hòa bình đã đành, nhưng rất cần phải có sự khéo léo và khéo léo phải được nâng lên thành nghệ thuật để tránh chiến tranh.
Nói như thế không có nghĩa là cuộc chiến nào cũng có thể tránh được. Cần phải nói rõ để tránh hiểu lầm. Từ khi nước ta giành được độc lập (9/1945), lãnh đạo Việt Nam đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất khéo léo để tránh chiến tranh, nhưng những nỗ lực của Việt Nam, sự khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không thể mang lại hòa bình vì thế lực thực dân cũ rồi thực dân mới sau đó kiên quyết không chấp nhận một Việt Nam độc lập. Họ chỉ chấp nhận khi không cản được Việt Nam. Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Đăng nhận xét