Mặc dù Lầu Năm Góc không nêu rõ loại thiết bị nào sẽ được trưng dụng, nhưng các báo cáo trước đó chỉ ra rằng Mỹ đang tìm nguồn cung ứng đạn pháo từ Seoul.
Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã xác nhận yêu cầu của Lầu Năm Góc, với một phát ngôn viên nói rằng: "Điều này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của Mỹ cũng như khả năng thực hiện cam kết sắt đá của Washington đối với việc bảo vệ đồng minh Seoul".
Người phát ngôn không nêu rõ Lầu Năm Góc yêu cầu loại thiết bị nào, số lượng bao nhiêu hoặc chúng đã được chuyển đi hay chưa.
Tuy nhiên, tờ New York Times hôm 17/1 tuyên bố Lầu Năm Góc đã cung cấp cho Ukraine đạn pháo 155mm từ kho của họ ở Hàn Quốc và Israel. Tờ báo dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington đã cung cấp cho Kiev hơn 1 triệu quả đạn này, "một phần khá lớn" trong số đó đến từ hai quốc gia trên.
Các lực lượng Ukraine hiện bắn từ 4.000 đến 7.000 quả đạn này mỗi ngày, theo các quan chức Mỹ được CNN phỏng vấn. Trong khi đó, các ước tính về hỏa lực của Nga rất khác nhau, từ 5.000 đến 60.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Bất lợi về pháo binh của Ukraine còn phức tạp hơn bởi thực tế là các loại súng do phương Tây hỗ trợ - chẳng hạn như khẩu Panzerhaubitze 2000 do Đức sản xuất và khẩu lựu pháo M777 của Mỹ - chưa bao giờ được thiết kế để có tốc độ bắn liên tục như vậy, khiến chúng thường xuyên gặp sự cố trên chiến trường.
Một quan chức ẩn danh nói với Fox News hôm 18/1 rằng Mỹ đang "liên hệ mọi nơi" để tìm thêm đạn dược. Nhiều tháng qua, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine đã khiến kho dự trữ ở một số quốc gia NATO gần như cạn kiệt.
Đăng nhận xét