Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 2/2022 đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan bắt đầu nỗ lực gia nhập NATO. Cả hai quốc gia sẽ cần sự đồng thuận nhất trí từ các quốc gia thành viên NATO hiện tại để được gia nhập. Mặc dù vậy Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích thái độ của Thụy Điển và Phần Lan đối với các chiến binh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển gia tăng trong những tuần gần đây trong bối cảnh các cuộc biểu tình của phe cực hữu và người Kurd ở Stockholm. Một cuộc biểu tình, trong đó một chính trị gia cực hữu đốt kinh Koran, cuốn sách thánh của đạo Hồi, đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 23/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đe dọa sẽ hủy bỏ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vì vụ việc.
"Sau những hành động như vậy, Thụy Điển không thể mong đợi sự ủng hộ của chúng tôi đối với tư cách thành viên NATO của họ", ông Erdogan nói hôm 23/1, theo Reuters.
Ông nói thêm: "Nếu Thụy Điển yêu mến và bảo vệ các thành viên của những tổ chức khủng bố và kẻ thù của Hồi giáo, thì chúng tôi khuyên các bạn nên tự tìm kiếm sự hỗ trợ cho an ninh của đất nước bạn".
Theo hãng tin AP, ông Erdogan cho biết việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO sẽ "không xảy ra".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với Reuters rằng "Phần Lan và Thụy Điển sẽ phải đạt được sự đồng thuận với Thổ Nhĩ Kỳ".
Vẫn chưa biết liệu vụ việc có ảnh hưởng đến tư cách thành viên của Phần Lan hay không.
Nga dường như sẽ là một trong những bên hưởng lợi nếu Thụy Điển không được gia nhập NATO.
Trước đó, Moscow đã đe dọa trả đũa nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Tổng thống Putin cũng cho biết "việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ này chắc chắn sẽ kích động phản ứng của chúng tôi".
Đăng nhận xét