"Việc bổ nhiệm tướng Gerasimov có thể nhằm hỗ trợ cho một kế hoạch quân sự quyết định của Nga vào năm 2023”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington bình luận.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, ông Putin đã nhiều lần công khai tuyên bố sẽ không từ bỏ mục tiêu chiến tranh tối đa của mình ở Ukraine bất chấp những thất bại gần đây của quân đội Nga trong cuộc chiến.
"Tổng thống Putin có thể đã bổ nhiệm tướng Gerasimov, sĩ quan cấp cao nhất của quân đội Nga - thay thế một loạt chỉ huy chiến trường - để giám sát cuộc tấn công lớn mà ông tin rằng các lực lượng Nga có thể hoàn thành vào năm 2023", Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Mark Galeotti, một nhà phân tích và chuyên gia về các vấn đề an ninh của Nga nhận định, việc bổ nhiệm ông Gerasimov không chỉ giúp thống nhất các quyết định tác chiến hàng ngày mà còn báo hiệu một nỗ lực nhằm khắc phục chủ nghĩa bè phái đang gia tăng trong quân đội Nga. Theo ông Galeotti, tướng Gerasimov được cho là người có thể đảm bảo rằng sự phối hợp giữa Vệ binh quốc gia Nga với lực lượng Chechnya của Tổng thống Ramzan Kadyrov và lính đánh thuê Wagner để các chiến dịch tác chiến đạt hiệu quả hơn.
Bản thân tướng Gerasimov - Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga - cùng Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và cố vấn an ninh quốc gia Nikolai Patrushev vốn được cho là thuộc một nhóm nhỏ quan chức cấp cao Nga lên kế hoạch cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Vladimir Putin.
Tướng Gerasimov với kinh nghiệm quân sự dày dặn và sự am hiểu về học thuyết về tác chiến phi đối xứng được kỳ vọng sẽ xoay chuyển cục diện của chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine.
Theo Washington Post, chính ông Gerasimov là người đã đề ra "học thuyết Gerasimov", đề cao tác chiến phi tuyến tính, kết hợp các chiến thuật quân sự, công nghệ, thông tin, ngoại giao, kinh tế, văn hóa cùng những hình thức tác chiến phi đối xứng khác để đạt được mục tiêu trong "chiến tranh lai".
Học thuyết về "chiến tranh lai" mà tướng Gerasimov nêu ra được cho là đã khiến phương Tây e ngại, coi Nga là "mối đe dọa lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh".
Tuy nhiên, nhiều blogger quân sự thân Nga vẫn bày tỏ sự hoài nghi rằng, việc cải tổ này sẽ giúp giải quyết các vấn đề ngày càng lớn của quân đội Nga, bao gồm cả việc các lực lượng Nga trên chiến trường đang phải phụ thuộc vào những tân binh được đào tạo vội vàng và trang bị kém.
Đăng nhận xét