Người dân các nước phương Tây thực sự nghĩ gì về xung đột Nga - Ukraine?

Người dân châu Âu thực sự nghĩ gì về xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 1.

Chiến sự Ukraine ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: AP

Trong thời gian xung đột diễn ra, các nhà lãnh đạo phương Tây đã ủng hộ hết mình cho Kiev thông qua các biện pháp trừng phạt đối với Nga hay giao vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến sự gần đến tháng thứ tư, công dân của những nước này đang ngày càng tập trung hơn vào các vấn đề trong nước.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Ipsos thực hiện hồi tháng 4/2022, công dân của 26 trong số 27 quốc gia được hỏi đều coi "lạm phát" là mối quan tâm số một của họ. Khảo sát được thực hiện từ những quốc gia có quan điểm cứng rắn chống lại Nga (như Mỹ, Anh, Canada và Ba Lan) đến những quốc gia không lên án Moscow (như Ấn Độ, Nam Phi và Ả Rập Xê Út).

Đói nghèo, thất nghiệp, tội phạm và tham nhũng là bốn vấn đề đáng lo ngại nhất sau lạm phát, trong khi "xung đột quân sự giữa các quốc gia" đứng ở vị trí thứ 11, giữa biến đổi khí hậu và kiểm soát nhập cư.

Người dân Ba Lan tỏ ra lo lắng nhất đối với cuộc xung đột ở biên giới phía đông của họ, 38% cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất mà thế giới phải đối mặt. Chỉ 20% người Mỹ đồng ý với quan điểm này, trong khi con số đó ở Hungary chỉ là 13%.

Mỹ đang chuẩn bị một gói viện trợ kinh tế, quân sự trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, tuy nhiên đa số người dân được hỏi ở nước này nói rằng họ "ổn" với việc Ukraine thua trong cuộc xung đột với Nga, theo một cuộc thăm dò gần đây của Viện Dân chủ. 

Mặc dù vậy, đa số (59%) được thăm dò bởi Ipsos ở Mỹ vào tháng trước ủng hộ việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Tại Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Canada, Ba Lan, Pháp, Đức và Úc cũng vậy.

Nhiều thứ có thể thay đổi trong một tháng. Các cuộc thăm dò mới nhất trên các mạng RTL và N-TV của Đức cho thấy sự ủng hộ đối với việc trang bị vũ khí cho Ukraine giảm từ 55% vào tháng 4 xuống còn 46% vào tháng 5. Trong khi đó, 44% người Đức hiện lên án chính sách này, tăng so với mức 33% hồi tháng 4.

Các biện pháp trừng phạt vẫn được ủng hộ rộng rãi. Những cuộc thăm dò cho thấy 67% người Mỹ và 80% công dân Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ các hình phạt kinh tế đối với Moscow. Ở Anh, 78% người được Ipsos thăm dò ý kiến trong tháng này ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhưng lại không sẵn sàng chấp nhận giá thực phẩm và năng lượng cao hơn.

Các lệnh trừng phạt gây ra hậu quả về tài chính cả cho phương Tây lẫn Nga. Tại Mỹ, người dân đang phải vật lộn với giá khí đốt kỷ lục, lạm phát cao trong nhiều thập kỷ cũng như tình trạng thiếu lương thực và hàng tiêu dùng.

Người Mỹ không thích điều này. Xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã chạm đáy trong nhiều cuộc thăm dò, cách ứng phó với khủng hoảng kinh tế của ông được đánh giá là đặc biệt tồi tệ. Theo một số số liệu gần đây nhất, chỉ 29% người Mỹ hưởng ứng các biện pháp hỗ trợ kinh tế của ông Biden, 55% nói rằng ông ấy đang làm cho nền kinh tế tồi tệ hơn, và 81% cho rằng ông không thể giải quyết được lạm phát.

Ở Anh, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson hiện đang đánh mất niềm tin của công chúng trong việc quản lý nền kinh tế. Thủ tướng Olaf Scholz của Đức cũng mất dần sự ủng hộ của người dân trong bối cảnh sản lượng công nghiệp sụt giảm và nền kinh tế Đức dự đoán sẽ gặp khó khăn nếu nhập khẩu năng lượng từ Nga bị cấm.

Adblock test (Why?)