Thông báo trên được bà Andersson đưa ra trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö tại Stockholm hôm 17/5.
"Dân chủ đã chiến thắng" - ông Niinistö nói tại họp báo. “Cả mùa xuân này là một thắng lợi cho nền dân chủ ở Phần Lan” - ông đề cập sự ủng hộ rộng rãi với đề xuất gia nhập NATO từ phía Quốc hội và người dân Phần Lan.
Thủ tướng Andersson nói thêm: “Thụy Điển cũng mong muốn được hợp tác cùng với Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO”.
Bình luận của bà đề cập tuyên bố trước đó của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 16/5 rằng ông sẽ không chấp thuận cho Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO do các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, và ông tiếp tục cáo buộc cả hai quốc gia là nơi chứa "các tổ chức khủng bố" của người Kurd.
“Chúng tôi rất mong được đối thoại song phương với Thổ Nhĩ Kỳ, và tất nhiên chúng tôi cũng sẽ đối thoại song phương với các thành viên NATO khác trong quá trình này. Và một khi chúng tôi gia nhập NATO, tôi nhận thấy cơ hội để phát triển mối quan hệ song phương của chúng tôi hơn nữa” - bà Andersson nói trong cuộc họp báo chung.
Tổng thống Phần Lan Niinistö nói rằng ông cũng vẫn "lạc quan" về các cuộc thảo luận sắp tới với Thổ Nhĩ Kỳ và rằng qua đối thoại, "vấn đề sẽ được giải quyết”.
Tổng thống Phần Lan đã bày tỏ sự ngạc nhiên với thái độ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, bởi vào đầu tháng 4, sự ủng hộ của ông Erdogan là “rất rõ ràng”, thuận lợi, nhưng giờ ông lại đưa ra quan điểm khác. Thụy Điển và Phần Lan sẵn sàng tiếp tục thảo luận với phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai nhà lãnh đạo cũng cho biết, họ đang cùng nhau thăm Washington và sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, gặp các đại diện Quốc hội Mỹ. Người Phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng, thảo luận giữa các nhà lãnh đạo sẽ đề cập việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, an ninh Châu Âu, sự ủng hộ cho Ukraine trong chiến dịch quân sự của Nga.
Động thái của Phần Lan và Thụy Điển đã vấp phải sự phản đối của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/5 cho biết Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với Nga, nhưng "việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi".
Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nói rằng Nga "sẽ buộc phải thực hiện các bước trả đũa, cả về bản chất quân sự-kỹ thuật và bản chất khác, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ phát sinh trong vấn đề này".
Mỹ và NATO đã bày tỏ sự ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối quân sự NATO. Cả hai nước đã đáp ứng nhiều yêu cầu để trở thành thành viên NATO, bao gồm việc có một hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường; đối xử công bằng với các nhóm dân tộc thiểu số; cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình; khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO; và cam kết thực hiện các quan hệ và thể chế dân chủ-quân sự.
Đăng nhận xét