Gần ba tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, dường như Moscow vẫn chưa đạt được mục tiêu mà họ mong muốn. Khi bắt đầu chiến sự, nhiều chuyên gia lo ngại thủ đô Kiev sẽ thất thủ chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên trên thực tế, Nga đã bị đẩy lùi bởi các binh sĩ Ukraine và phải chuyển hướng sang khu vực Donbass.
Trong bối cảnh Ukraine có khả năng giành chiến thắng trước Nga, một số nhà lãnh đạo EU hiện đang lo ngại về những gì có thể xảy ra nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin chịu thất bại. Các nhà lãnh đạo này dường như muốn thiết lập một thỏa thuận hòa bình với ông Putin để giữ 'thể diện' cho Điện Kremlin.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu kêu gọi hòa bình trước Nghị viện châu Âu, nói rằng "chúng tôi không muốn xung đột với Nga".
Ông nhấn mạnh rằng "nghĩa vụ của châu Âu là sát cánh với Ukraine để đạt được một lệnh ngừng bắn, sau đó xây dựng hòa bình".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng kêu gọi ngừng bắn trong những ngày gần đây.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào tuần trước, Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng cho biết đã đến lúc bắt đầu suy nghĩ về một thỏa thuận hòa bình. Ông nói: "Chúng tôi nhất trí rằng mình phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine và gây áp lực lên Moscow, nhưng chúng tôi cũng sẽ nghĩ dần về cách thức xây dựng hòa bình".
Mặc dù vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn tiếp tục yêu cầu lực lượng của Moscow rút khỏi đất nước của ông. Theo nhiều nguồn tin, dường như ông Zelensky có vẻ từ chối ý tưởng của các nhà lãnh đạo châu Âu về một thỏa thuận hòa bình giúp bảo vệ thể diện cho Tổng thống Nga.
Ông Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình công cộng RAI của Ý vào tuần trước: "Chúng tôi muốn quân đội Nga rời khỏi đất của chúng tôi ngay lập tức. Chúng tôi sẽ không giúp ông Putin giữ thể diện bằng cách giao ra lãnh thổ của mình. Điều đó thật không công bằng".
Kể từ khi chiến sự bắt đầu, các quan chức Ukraine đã lập luận rằng bất kỳ nhượng bộ nào về lãnh thổ - liên quan đến Crimea hoặc hai khu vực được phe ly khai hậu thuẫn ở phía đông - sẽ chỉ khuyến khích Nga tiến sâu vào đất Ukraine trong tương lai.
Giuseppe Conte, cựu thủ tướng Ý, cũng nhấn mạnh EU cần một "chiến lược cẩn thận hơn".
Ông nói: "Sau giai đoạn đầu hỗ trợ quân sự cho Ukraine, giờ đây EU nên tập trung vào các cuộc đàm phán và gây áp lực cho Nga, để từ đó thúc đẩy một giải pháp chính trị".
Đăng nhận xét