Theo Washington Post, rõ ràng, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy Phần Lan gạt bỏ những lo ngại khiêu khích Điện Kremlin lâu nay để tìm kiếm tư cách thành viên NATO. Quân đội Nga đã bị tiêu hao trong các cuộc giao tranh khốc liệt ở Ukraine, hàng ngũ của họ bị suy kiệt do tổn thất nặng nề về quân số và trang thiết bị. Và việc Nga rút quân khỏi biên giới với Phần Lan để triển khai đến Ukraine cũng khiến Moscow bị giảm đáng kể năng lực đe dọa quân sự đối với Phần Lan.
Ngoài ra, Nga chỉ cung cấp cho Phần Lan một lượng nhỏ khí đốt và dầu mỏ. Trong khi đó, Phần Lan đã chuẩn bị cắt nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ của Nga theo các quyết định của Liên minh châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Các quan chức Phần Lan cho biết từ lâu họ cũng đã giảm nhập khẩu điện của Nga để đề phòng các cuộc tấn công có thể xảy ra vào cơ sở hạ tầng của nước họ và hiện điện từ Nga chỉ chiếm 10% sản lượng tiêu thụ ở quốc gia này.
Nếu Phần Lan quyết tâm the đuổi tiến trình gia nhập NATO, Nga có thể cố gắng tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng của Phần Lan để trả đũa hoặc tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp nhằm buộc nước này thay đổi lộ trình, nhưng Phần Lan đã có những hệ thống rất phát triển có khả năng chống lại bất kỳ nỗ lực nào như vậy, Thiếu tướng Pekka Toveri, cựu Giám đốc tình báo quân đội Phần Lan cho biết.
“Họ thực sự không có nhiều đòn bẩy mà họ có thể sử dụng để đe dọa chúng tôi. Họ không có quyền lực chính trị, quân sự hay kinh tế", ông Toveri nói.
Theo các chuyên gia, trong những ngày tới, Thụy Điển dự kiến sẽ tiếp bước Phần Lan - khi cũng sẽ chính thức tìm kiếm tư cách thành viên NATO. Nhưng chỉ riêng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ tạo ra tác động lớn đặc biệt đối với Nga, khi biên giới đất liền của Nga với NATO sẽ tăng gấp đôi. Ngoài ra, NATO còn có khả năng bao vây hoàn toàn 3 cảng của Nga trên Biển Baltic.
Trong nhiều thập kỷ, Phần Lan đã theo đuổi lập trường trung lập, không gia nhập NATO vì sợ sẽ khiêu khích Nga - nước láng giềng lớn hơn, có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã đảo ngược lập trường đó, khiến người Phần Lan kết luận rằng họ sẽ an toàn hơn dưới chiếc ô bảo vệ của NATO. Trước chiến tranh, chỉ 20% người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO. Đến tháng 5, con số này đã đạt 76%.
Người Phần Lan cũng cho rằng những thất bại trên chiến trường của quân đội Nga ở Ukraine cũng cho thấy Nga không còn gây ra mối đe dọa đáng sợ như trước đây nữa, ông Toveri nói.
“Nga quá yếu và họ không thể mạo hiểm thêm một thất bại nữa. Nếu Nga cố gắng đưa quân vào Phần Lan thì trong vài ngày, họ sẽ bị xóa sổ. Nguy cơ thất bại là rất cao, và tôi không nghĩ họ có thể chấp nhận được điều đó", cựu Giám đốc tình báo quân đội Phần Lan nhấn mạnh.
Cũng theo ông Toveri, phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, ông Putin không chỉ thất bại trong việc đạt được các mục tiêu quân sự ở Ukraine, mà còn vô tình khiến NATO mở rộng hơn, điều hoàn toàn trái ngược với những gì ông ấy muốn.
"Nó phản ánh đây là một tính toán sai lầm về mặt chiến lược lớn", ông Toveri tuyên bố.
Trong khi đó, về phần mình, Moscow dường như cũng đã giảm bớt các mối đe dọa trả đũa việc Phần Lan muốn gia nhập NATO. Bản thân Tổng thống Putin đã nói với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto rằng quyết định gia nhập NATO của nước này là "sai lầm" nhưng nhà lãnh đạo Nga không đưa ra bất cứ lời đe dọa cụ thể nào.
Tuy nhiên, ông Dmitry Suslov thuộc Trường Kinh tế Cao cấp thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moscow bình luận rằng, việc Phần Lan gia nhập NATO, gây ra mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược của Nga lớn đến mức Moscow sẽ buộc phải thực hiện một số hành động chống lại nước láng giềng.
Một phản ứng sớm có thể đã xảy ra hôm thứ Bảy 14/5 là thông báo của công ty nhà nước Nga RAO Nordic rằng họ đã ngừng xuất khẩu điện sang Phần Lan. Tuy nhiên, trên thực tế, không rõ liệu động thái này có của RAO Nordic có phải là một biện pháp trừng phạt hay không.
Nga đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây về động thái trên, nói rằng phương Tây đã gây khó khăn cho Nga trong việc nhận các khoản thanh toán cho các nguồn cung cấp điện hoặc khí đốt.
Ngoài ra, theo ông Suslov, ở mức tối thiểu, Nga sẽ cần củng cố sự hiện diện quân sự của họ dọc theo biên giới với Phần Lan vì Phần Lan sẽ không còn được coi là một quốc gia “thân thiện”.
Nga cũng sẽ phải tăng cường sự hiện diện hải quân của mình ở Biển Baltic, nơi sẽ trở thành “một vùng biển của NATO”.
Nếu Mỹ hoặc Anh thiết lập các căn cứ ở Phần Lan, Nga sẽ “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào các căn cứ đó”, ông Suslov cảnh báo.
Ông Toveri cho biết, Phần Lan đang chuẩn bị cho các hành động tiếp theo nhưng người Phần Lan đã quen với việc sống chung với một thế lực thù địch tiềm tàng ở biên giới của họ trong nhiều thập kỷ và không cảm thấy bị đe dọa quá mức. “Chúng tôi đã quen với việc người Nga ở đó. Hầu hết người Phần Lan không quá lo lắng về điều đó", ông Toveri tuyên bố.
Đăng nhận xét