Hans-Georg Maassen, người từng là Chủ tịch Văn phòng Liên bang Bảo vệ Hiến pháp, cơ quan an ninh nội địa của Đức giai đoạn 2012-2018 mới đây cảnh báo rằng, nước này đang “mộng du" vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga bằng cách chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Xuất hiện trên truyền hình Đức mới đây, Maassen cho biết, ông phản đối bất kỳ hành vi chuyển giao vũ khí nào của Đức cho Ukraine, viện dẫn một quyết định trước đó của Tòa án Công lý Quốc tế phán quyết rằng, việc cung cấp vũ khí cho một trong những các bên tham chiến trong một cuộc xung đột cũng làm cho nhà cung cấp trở thành một bên trong cuộc xung đột đó.
"Theo quan điểm của tôi, khi chúng tôi giao vũ khí, không phải mũ bảo hiểm, không phải bông băng, thì điều đó có nghĩa là chúng tôi tự động có nguy cơ trở thành một bên tham chiến”, Maassen lập luận.
Cựu quan chức này cũng cho biết ông rất sợ hãi vì thiếu các cuộc thảo luận công khai về vấn đề này.
Theo ông, bằng cách tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine, Đức có thể trở thành mục tiêu tấn công của Nga.
Cựu Giám đốc tình báo Đức lập luận rằng, trái ngược với những gì truyền thông Đức tuyển truyền, Ukraine không phải là "pháo đài" của nhân quyền, tự do, hòa bình và các giá trị phương Tây.
Ông yêu cầu lãnh đạo Đức xem xét lý do tại sao họ lại khiến đất nước phải đối mặt với “ nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân".
Theo Maassen, Đức có khoảng 119 cơ sở quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của mình và vì thế, có thể là mục tiêu tấn công của Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Ông Maassen thậm chí ví Đức như một "hàng không mẫu hạm của Mỹ với khoảng 80 triệu người bản xứ” sinh sống trên đó.
Cựu Giám đốc tình báo cũng cảnh báo, xã hội Đức chưa chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tranh, vì nước này không có bất kỳ kinh nghiệm nào về những khó khăn mà nó mang lại trong nhiều thập kỷ.
Trên hết, theo ông Maassen, đối đầu quyết liệt hơn với Nga sẽ là không khôn ngoan đối với Berlin, vì Đức phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga, đồng thời không tự sản xuất đủ lúa mì và phân bón.
"Đức đang gây nguy hiểm cho an ninh của mình bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine", cựu quan chức tình báo này cho nhấn mạnh.
Vào cuối tháng 2, vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo rằng Berlin sẽ cung cấp cho Kiev hệ thống phòng không di động cũng như tên lửa chống tăng.
Truyền thông dẫn lời các quan chức Ukraine giấu tên, Berlin còn cung cấp cho quốc gia Đông Âu 100 súng máy, 100.000 quả lựu đạn, 2.000 quả mìn và hơn 16 triệu viên đạn.
Khi xung đột leo thang, dưới áp lực của các đồng minh NATO, chủ yếu là Mỹ, Berlin cuối cùng đã bật đèn xanh cho việc chuyển giao các phương tiện phòng không Gepard cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Đức đã cam kết sẽ gửi 15 phương tiện đầu tiên vào tháng Bảy.
Thủ tướng Scholz cũng hứa tặng 7 xe pháo tự hành 155 mm Howitzer 2000 cho Ukraine. Tuy nhiên, theo DW, Kiev có thể sẽ không nhận được chúng trước mùa hè.
Berlin cũng đã thông qua thỏa thuận cho nhà sản xuất Krauss-Maffei Wegmann chuyển giao hàng chục xe tăng Leopard 1 cho Ukraine. Tuy nhiên, việc chuyển giao rõ ràng đang trong tình trạng lấp lửng mà theo truyền thông là do thiếu đạn dược và phụ tùng thay thế.
Các quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm cả Đại sứ tại Đức, Andrey Melnik, đã nhiều lần chỉ trích giới lãnh đạo ở Berlin, cho rằng chính phủ Đức đang chùn chân trong việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Kiev đang thúc giục các đồng minh bàn giao xe tăng Leopard 1 và xe chiến đấu bộ binh Marder cho họ càng sớm càng tốt.
Đăng nhận xét