"Các kho dự trữ của EU đã cạn kiệt do hỗ trợ quân sự cho Ukraine", ông Borrell viết trong blog của mình hôm 22/5.
Theo ông Borrell, chi tiêu quốc phòng tổng hợp trong toàn khối chỉ tăng 20% từ năm 1999 đến năm 2021, so với 66% của Mỹ, 292% của Nga và 592% của Trung Quốc.
Các sự kiện ở Ukraine đã dẫn đến "một sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh an ninh châu Âu gặp thách thức", nhà ngoại giao nhấn mạnh. "Rõ ràng ở thời điểm hiện tại châu Âu đang trên bờ vực nguy hiểm".
"Trong hoàn cảnh này, EU cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với an ninh của chính mình, điều này sẽ đòi hỏi phải thiết lập các lực lượng vũ trang hiện đại, tiên tiến, có khả năng thích ứng của châu Âu", ông tuyên bố.
Borrell cảnh báo, các quốc gia thành viên EU cần phối hợp đầu tư vào quân đội vì các động thái đơn phương có thể trở thành "sự lãng phí tiền bạc, với nguy cơ mở rộng thêm các lỗ hổng hiện có".
Nhà ngoại giao nêu ra ba hướng hành động chính sẽ cho phép khối xóa bỏ những lỗ hổng hiện tại trong quốc phòng của mình.
Các giải pháp bao gồm nghiên cứu khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng, bổ sung kho dự trữ, hiện đại hóa hệ thống phòng không, khả năng trên không gian mạng, cùng nhau phát triển các trang thiết bị chủ chốt trong tương lai như xe tăng chiến đấu.
"Giờ là lúc để đẩy mạnh hàng thủ châu Âu. Chúng ta cần củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng châu Âu và bổ sung năng lực quân sự cần thiết giúp khối trở nên mạnh mẽ hơn và hỗ trợ các đối tác bất cứ khi nào cần thiết", ông Borrell kết luận.
Moscow đã lên tiếng chỉ trích sự tham gia của EU vào cuộc xung đột Ukraine và tình trạng quân sự hóa ngày càng gia tăng của khối này. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hồi đầu tháng nói rằng EU "đang chuyển từ một nền tảng kinh tế mang tính xây dựng trở thành một bên tham chiến tích cực với tham vọng vươn xa ra ngoài lục địa châu Âu".
Ông Lavrov nhấn mạnh rằng EU đang "đi theo bước chân của NATO". Hai tổ chức đang trong quá trình hợp nhất và trong tương lai EU sẽ hoạt động đơn thuần như một phần mở rộng của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, ông Lavrov lập luận.
Bên cạnh việc trừng phạt Nga, EU cũng đã phân bổ 2 tỷ euro viện trợ quân sự cho Kiev trong bối cảnh nước này xung đột với Moscow. Borrell đã nói vào tháng 4/2022 rằng "cuộc chiến này phải được quyết định trên chiến trường". Ông cũng hứa rằng "EU sẽ không để Ukraine hết trang thiết bị quân sự".
Đăng nhận xét