Trồng rau trái vụ mỗi năm thu về 2 tỷ đồng/ha

Ngày 17/7 tại TP. Sơn La, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN Sơn La tổ chức Hội thảo “Báo chí với công tác truyền thông khoa học và công nghệ”.

Tại Hội thảo, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ KH&CN cho biết: Trong bối cảnh đất nước đang thực hiện Nghị quyết Trung Ương 5 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngành KH&CN đã tích cực đổi mới và xây dựng nhiều cơ chế, chính sách cho sự phát triển của đất nước.

Trồng rau trái vụ mỗi năm thu về 2 tỷ đồng/ha - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ KH&CN khẳng định KHCN và đổi mới sáng tạo đã thực sự tham gia sâu vào chuỗi sản xuất nông nghiệp

“Hiện KHCN và đổi mới sáng tạo đã thực sự tham gia sâu vào chuỗi sản xuất nông nghiệp từ chọn giống, canh tác, nuôi trồng, bảo quản…”, ông Trần Quang Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, đồng hành với sự chuyển mình của ngành KH&CN đã có sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí nhằm truyền tải những chính sách mới, truyền thông những cách làm hay, mô hình tốt cũng như đóng góp chính sách cho sự phát triển chung của ngành.

Ông Tuấn dẫn chứng, Sơn La là 1 địa phương có sự chuyển biến rõ nét về ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp. Theo thống kê, năm 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Sơn La đạt gần 10%, xuất khẩu đạt 150 triệu USD, giá trị nông sản đạt 142 triệu USD.

“Trong các chính sách về phát triển công nghệ, hoạt động truyền thông công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển KH&CN. Trong Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, hàm lượng KH&CN trong báo cáo về phát triển công nghệ đã được nêu rất nhiều. Mong rằng, công tác này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh, để người dân và các cấp lãnh đạo hiểu được vai trò, vị trí của KH&CN trong sự phát triển của đất nước hiện nay”, ông Trần Quang Tuấn nói thêm.

Tại Hội thảo, ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông sản chất lượng cao. 

Đồng thời, với vai trò và vị thế là trung tâm của vùng Tây Bắc, Sơn La luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành , sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu KHCN.

Chính vì vậy, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. 

Trồng rau trái vụ mỗi năm thu về 2 tỷ đồng/ha - Ảnh 2.

Ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La

Theo đó, 70% số nhiệm vụ KHCN được ứng dụng, duy trì và nhân rộng, qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện tốt chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nông thôn và miền núi.

Ông Phạm Quang An cho biết: Tính từ năm 2016 - 2019, Sở KH&CN Sơn La đã bàn giao tổng số 105 kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án KH&CN cho 30 đơn vị thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các trường Đại học, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Điển hình với kết quả của các đề tài, dự án trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững...; 

Một số mô hình đáng chú ý đó là sản xuất giống cà chua ghép và mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ tại Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu. Dự án này hàng năm cung cấp 3-4 triệu cây giống cho vùng Đồng bằng Sông Hồng và mô hình sản xuất cà chua thương phẩm từ giống tạo ra được mở rộng cung cấp sản phẩm cà chua an toàn cho chuỗi siêu thị ở Hà Nội.

Mô hình sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP và hoa chất lượng cao tại Công ty Cổ phần hoa nhiệt đới đã hình thành nghề trồng hoa và rau chất lượng cao tại địa phương, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho hơn 150 lao động (bình quân là 5- 6 triệu đồng/người/tháng). 

Hiện tại, công ty vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa, ngoài ra mô hình được mở rộng được 25 ha hoa, giá bán các sản phẩm rất cao, doanh thu 1,5-2 tỷ/ha/năm.

Theo ông An, các nhiệm vụ KH&CN thực hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bám sát theo yêu cầu của thực tiễn của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng. 

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng dự án sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố chưa chủ động quan tâm đặt hàng với nhà khoa học; việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan tiếp nhận kết quả đề tài và cơ quan chủ trì chưa được quan tâm đúng mức trong việc chuyển giao ứng dụng nhân rộng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Trong bối cảnh trên, Sở KH&CN Sơn La sẽ iếp tục nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KH&CN; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong xây dựng đề xuất nhiệm vụ KH&CN sát với thực tiễn tại địa phương; tăng cường truyền thông KH&CN về kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới thông tin giữa các đơn vị, đặc biệt là các trường chuyên nghiệp trong tỉnh nhằm cung cấp, trao đổi và khai thác hiệu quả nguồn thông tin KH&CN; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ thông tin KH&CN cho cán bộ nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp cho cán bộ chuyên trách...