Đây chính là kết quả của sự chung sức, đồng lòng và thật sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như chính các chủ thể tham gia chương trình.
Nhiều sản phẩm tiềm năng
Ông Trần Văn Thu – Chi cục Trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, ngay sau khi có Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).
Đây là Chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, cũng là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Kế hoạch 4565/KH-UBND, ngày 17/10/2018 thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến 2030. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh làm chủ thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đào tạo nguồn nhân lực…
"Theo số liệu điều tra, khảo sát thu thập dữ liệu liệu phục vụ xây dựng đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm.
Trong số này, nhóm Thực phẩm có 21 sản phẩm; nhóm Đồ uống có 03 sản phẩm; nhóm Thảo dược có 06 sản phẩm; nhóm Vải và may mặc có 01 sản phẩm; nhóm Lưu niệm - nội thất - trang trí có 03 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 01 sản phẩm.
Ngoài ra, Quảng Trị có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia Chương trình OCOP…", ông Thu chia sẻ.
Tuy nhiên, đa số sản phẩm trên được sản xuất thủ công, sản phẩm chủ yếu có bao bì, nhãn mác, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng; thị trường tiêu thụ của các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu ở trong nước. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chủ yếu ở hình thức cơ sở sản xuất kinh doanh…
21 sản phẩm được công nhận sao OCOP
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, để triển khai Chương trình OCOP một cách hiệu quả, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung kế hoạch đề ra gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
"Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, tỉnh đã tập trung lựa chọn 14 sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực trong Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020, gồm 2 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP quốc gia là hồ tiêu và cao dược liệu", ông Đồng chia sẻ.
Cũng theo ông Đồng, 12 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP cấp tỉnh Quảng Trị là gạo chất lượng cao, ném củ, tinh dầu thiên nhiên, trái cây (bơ, thanh long, bưởi da xanh, cam), rượu Kim Long, dầu lạc, cá hấp, nước mắm, tinh bột nghệ, cà phê bột, hạt đóng gói, du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều...
Đến nay, tuy mới ở giai đoạn đầu và hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, song ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang có những cách làm phù hợp, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân…
Ông Trần Văn Thu cho biết thêm, mặc dù Chương trình OCOP là một chương trình mới, tuy nhiên, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các Sở, ban ngành có liên quan, các địa phương đã nắm bắt và chủ động triển khai thực hiện Chương trình khá hiệu quả.
"Nnăm 2019, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 02 HTX, 06 công ty TNHH và 04 hộ kinh doanh tham gia thực hiện Chương trình OCOP với 19 sản phẩm OCOP được công nhận (trong đó có 02 sản phẩm đạt 4 sao và 17 sản phẩm đạt 3 sao) như: Dầu lạc nguyên chất super green, dầu mè nguyên chất super green, gạo sạch Quảng Trị, tinh bột sắn, bơ đậu phụng super green, hạt tiêu đen, cao cà gai leo, cao chè vằng, măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, cà phê bột, bột ngũ cốc dinh dưỡng, bún Vạn Ninh, rượu men lá Ba Nang, tranh gạo, nước lau sàn tinh dầu sả - bồ hòn…", ông Thu phấn khởi nói.
Trong số 19 sản phẩm mang địa danh của tỉnh có 01 sản phẩm chỉ dẫn địa lý là hạt tiêu đen của HTX hồ tiêu Cùa; 03 sản phẩm nhãn hiệu tập thể gồm cà phê bột của HTX nông sản Khe Sanh, cà phê bột của Hộ kinh doanh dịch vụ sản xuất nông nghiệp Ta Lư, rượu men lá Ba Nang của cơ sở chế biến, bán buôn rượu men lá Ba Nang; 15 sản phẩm còn lại là nhãn hiệu thông thường.
"Mục tiêu trong năm 2020, Quảng Trị xác định và tập trung phát triển, nâng cấp 19 sản phẩm đã được đánh giá. Đối với các địa phương trong chỉ đạo điểm Chương trình OCOP tập trung phát triển sản phẩm để đạt hạng 4 sao, 5 sao. Ngoài ra, xây dựng 2-3 dự án/huyện phát triển chuỗi giá trị gắn với Chương trình OCOP để tạo mô hình điểm của tỉnh...", ông Đồng cho hay.
Đăng nhận xét