Thưa ông, 5 tỉnh Tây Nguyên được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi và đang thu hút một số doanh nghiệp lớn rót tiền vào đầu tư nuôi trâu, bò, lợn. Ông có thể đánh giá về thực trạng này?
- Chúng tôi vừa có chuyến khảo sát, kiểm tra Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN do 2 Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus đầu tư tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk.
Chiến lược của 2 tập đoàn này không chỉ đầu tư chăn nuôi công nghệ cao ở Đăk Lăk mà còn vươn ra các tỉnh khác của Tây Nguyên, với mục tiêu xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn, thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, áp dụng công nghệ 4.0 hiện đại nhất Đông Nam Á.
Đối tượng nuôi chính của dự án là con lợn, trong đó họ liên kết sản xuất từ lợn cụ kị, ông bà, lợn giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy phân bón hữu cơ đến nhà máy giết mổ...
Nhìn một cách tổng thể, và các doanh nghiệp cũng nhận thấy Tây Nguyên có lợi thế rất lớn, đó là quỹ đất còn nhiều, rất dễ hình thành các khu chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn. Bây giờ Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực, với các quy định rất chặt chẽ, trong đó Nghị định 13 đã có các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là Thông tư 23 về điều kiện chăn nuôi, trong đó quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Thứ hai, Tây Nguyên có các vùng trồng trọt lớn, nông dân rất nhạy bén trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao. Thuận lợi về nguồn thức ăn thô xanh cũng như hình thành mối liên kết sản xuất với bà con nông dân. Tại đây, nếu đầu tư chăn nuôi bò cũng rất phù hợp, do còn nhiều diện tích đất có thể trồng cỏ, ngô sinh khối.
Thứ ba là lợi thế về chính sách. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên và đầu tư đặc thù cho vùng Tây Nguyên, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc.
Theo ông Tống Xuân Chinh, trước đây đã có không ít dự án lớn đầu tư vào chăn nuôi ở Tây Nguyên như nuôi bò thịt, nhưng hầu hết đều thất bại.
Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa lường hết được khó khăn, không khép kín được chuỗi giá trị mà chỉ mới quan tâm khâu đầu là chăn nuôi nên gặp rủi ro lớn.
Một số dự án chưa có lộ trình phù hợp, làm hấp tấp quy mô lớn dẫn tới không quản lý được...
Còn những khó khăn khi đầu tư chăn nuôi lớn ở Tây Nguyên, thưa ông?
- Đầu tư chăn nuôi công nghệ cao ở Tây Nguyên sẽ gặp khó khăn về nguồn nhân lực, bởi lực lượng lao động có trình độ cao tại đây còn hạn chế, tìm kĩ sư ngành chăn nuôi không dễ.
Về mặt thị trường, Tây Nguyên khó cạnh tranh hơn khu vực Đông Nam Bộ, xa TP.HCM, xa thị trường phía Bắc, nhưng trong một vài năm nữa, khu vực miền Trung mà nhất là TP.Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Kéo theo đó là hệ thống logistics sẽ được đầu tư đồng bộ hơn cả về giao thông, hệ thống phân phối, thị trường, cảng biển…
Do đó tôi cho rằng, đầu tư chăn nuôi vào đây tiềm năng lớn hơn là rủi ro.
Vậy theo ông khi đầu tư chăn nuôi khu vực này cần lưu ý điều gì?
- Đối với các doanh nghiệp, khi rót vốn vào chăn nuôi ở Tây Nguyên thì cần nắm rõ đặc điểm cơ sở hạ tầng, điều kiện chăn nuôi công nghệ cao còn thiếu vắng những gì để xây dựng một chiến lược đầu tư phù hợp, có tính khả thi nhất.
Tôi cho rằng, phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất là phải chăn nuôi theo chuỗi, doanh nghiệp có thể đầu tư tại chỗ hoặc liên kết với nhiều doanh nghiệp thực hiện chuỗi khép kín từ thức ăn, con giống, kỹ thuật công nghệ, nhà máy chế biến để giảm giá thành, chia sẻ cùng nhau cả rủi ro lẫn lợi nhuận.
Thứ hai, dứt khoát phải áp dụng công nghệ cao. Thứ ba, nên lựa chọn mô hình đầu tư PPP, tức là công - tư đều tham gia vào chuỗi này.
Một điều nữa chúng tôi đặc biệt lưu ý khi đầu tư chăn nuôi ở Tây Nguyên, đó là phải sử dụng công nghệ tiết kiệm nước. Vì Tây Nguyên vào mùa khô rất dễ xảy ra hạn hán, thiếu nước, không thể áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn như với khu vực đồng bằng sông Hồng hay Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, cần tiếp cận theo chuỗi chăn nuôi 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer) để vừa đảm bảo sản xuất chuỗi và bảo vệ môi trường. Tây Nguyên rất thích hợp để ứng dụng chuỗi này vì đây là vùng cây công nghiệp lớn, hướng tới sản xuất hữu cơ, đây chính là thị trường rất lớn cho phân bón hữu cơ - sản phẩm từ chuỗi chăn nuôi.
Điều băn khoăn nhất là đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi khi đường giao thông khu vực này còn xa xôi, vận chuyển thực phẩm khó khăn, bên cạnh đó ở đây chưa có nhà máy chế biến hay giết mổ. Bộ NNPTNT có chiến lược lâu dài như thế nào để đánh thức tiềm năng chăn nuôi ở đây?
- Nếu hình thành được khu công nghệ cao, Nhà nước tham gia hỗ trợ ở những khâu người dân không đầu tư được, ví dụ như khâu giết mổ thì chắc chắn lĩnh vực chăn nuôi ở Tây Nguyên sẽ khởi sắc mạnh mẽ.
Hoặc chúng ta phải có cơ chế thu hút, "trải thảm đỏ" tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Ví dụ như ở Đăk Lăk, huyện và tỉnh đều tạo điều kiện về quỹ đất để Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus đầu tư khu chăn nuôi công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đầu tư khoản tiền lớn thì đòi hỏi doanh nghiệp phải khép kín được chuỗi giá trị, liên kết thành hệ thống từ con giống, chuồng trại, nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy giết mổ… Khi đi vào hoạt động, đây có thể coi là mô hình mẫu theo công nghệ châu Âu.
Xin cảm ơn ông!
Đăng nhận xét