Các ca nhiễm Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng, Hà Nội và một số thành phố lớn đã gây lo ngại về những tác động tới nền kinh tế. Từ đầu năm, "bão" Covid-19 "đổ bộ" vào Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế. Minh chứng rõ nét cho thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 tới nền kinh tế chính là tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 0,36% và 6 tháng đầu năm đạt 1,81% - mức thấp kỷ lục kể từ năm 1991 cho tới nay.
Cùng lúc 13.700 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6, tổng cộng 6 tháng là 62.000, thì cũng có tới 29.200 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 19.600 ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 7.400 hoàn tất thủ tục giải thể.
Tưởng chừng, bức tranh kinh tế sẽ được cải thiện trong quý III này khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang dần hồi phục. Thế nhưng, ca nhiễm mới trong cộng đồng xuất hiện khiến nhiều người lo ngại.
Tăng trưởng kinh tế trong "bão" Covid-19 như thế nào là câu hỏi nhiều người quan tâm và muốn có đáp án. Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã xuống thấp kể từ năm 1991 do dịch Covid-19. Với diễn biến hiện nay của dịch Covid-19, ông dự báo thế nào về tăng trưởng kinh tế trong nửa còn lại của năm 2020 này?
Mọi dự báo chỉ là dự báo nhưng cho đến nay khi đối diện với dịch Covid-19, 3 từ chúng ta hay sử dụng đó là: bất ổn, bất định và bất an. Do đó trên các dự báo, tăng trưởng của nền kinh tế liên tục xấu đi. Dự báo sau luôn xấu hơn so với dự báo trước và liên tục thay đổi. Quý I đưa ra dự báo khác, quý II lại đưa ra một dự báo khác và sắp tới đây cái dự báo cho quý III cũng sẽ khác so với dự báo của 2 quý trước đó.
Trên thực tế, trong thời gian qua, chúng ta rõ ràng là đang lạc quan tương đối sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Chúng ta kỳ vọng rằng hoạt động kinh tế mặc dù chưa mở ra bên ngoài nhưng hoạt động kinh tế trong nước đang dần hồi phục, đặc biệt đối với những ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất của đại dịch đó là hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải du lịch, nhà hàng khách sạn bán buôn bán lẻ. Từ đó, kinh tế sẽ tốt lên trong thời gian tới.
Nhưng tại thời điểm này, tuy dịch Covid-19 chưa bùng phát như trước và giãn cách xã hội không phải ở mức đại trà mà khoanh vùng được nhưng tâm lý lo ngại sẽ khiến cho người dân không đi du lịch nữa (trừ thực sự cần thiết), tiêu dùng giảm vì lẽ đó. Chắc chắn tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm cũng sẽ không thể tươi sáng hơn.
Vậy theo ông làm thế nào để tăng trưởng kinh tế trong "bão" dịch Covid-19?
Xét về khoa học kinh tế cho đến nay thì ai cũng biết cần phải làm gì. Khi cầu giảm sút do tác động của dịch Covid-19, muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải duy trì được cầu hoặc tăng cầu lên.
Kích cầu bằng thúc đẩy đầu tư công là cụm từ đang được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng hay tại các cuộc họp, diễn đàn khi bàn về vấn đề tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Bởi đây là giải pháp được kỳ vọng sẽ là lực đẩy lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh các nguồn lực khác đang hạn hẹp, đồng thời cần vốn mồi để thúc đẩy, tạo lan tỏa trong các ngành sản xuất.
Đầu tư công đúng hướng không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn giải quyết các vấn đề căn bản trong lâu dài của nền kinh tế. Chẳng hạn, khi du lịch, giao thương phát triển, các hãng hàng không mở ra ngày một nhiều, nhưng hạ tầng ách tắc thì cũng không thể phát triển mạnh mẽ được!
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng, việc đẩy mạnh đầu tư công, chi tiêu công không phải đến bây giờ chúng ta mới nhắc đến mà đã nói từ rất lâu rồi. Thế nhưng, dù có đẩy mãi vẫn không đẩy được và đến nay vẫn cứ trì trệ.
Hơn nữa, đó chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Về trung hạn, dài hạn phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn. Nghĩa là, không áp dụng những cái gọi là làm theo quy định, tiến theo quy trình. Bây giờ cái gì không cấm thì cứ làm, mà không chỉ là tự do làm gì mà phải là làm thế nào cũng được tự do.
Khi đó những ngành nghề mới, mô hình kinh doanh mới mới xuất hiện và phát triển được. Như vậy, tại thời điểm hiện nay về mặt thể chế mà nói, cần một thay đổi thực sự đột phá như thế.
Như ông đề cập, đầu tư công là tâm điểm trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020 này nhưng đến nay việc giải ngân lại trì trệ. Vậy theo ông, muốn cải thiện được tình trạng này chúng ta cần phải làm gì?
Nếu muốn thúc đẩy được đầu tư công, chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải đi giải quyết tất cả các điểm nghẽn hiện nay trong đầu tư công.
Đầu tiên, phải bỏ chế độ phân bổ vốn đầu tư công. Có nghĩa là, Quốc hội không cần phân bổ vốn cho từng ngành, từng địa phương, từng dự án cụ thể. Thay vào đó, Quốc hội chỉ giám sát hiệu quả sử dụng vốn.
Hai là, hình thức đầu tư của từng dự án, kể cả dự án to, dự án lớn thì Quốc hội cũng không cần phải quyết định. Hiện nay dự án đầu tư công Quốc hội quyết định, dự án BT cũng Quốc hội quyết định. Thiết nghĩ, không cần thiết. Những vấn đề đó, Quốc hội không cần quyết định mà hãy để cho Chính phủ quyết định hoặc "ông" Bộ trưởng quyết định là đủ.
Thứ 3, giao nhiều quyền hơn cho Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng quyết định đầu tư. Tôi lấy ví dụ, với một dự án khi đã quyết định chủ trương đầu tư rồi thì bỏ quyết định đầu tư.
Trên thực tế hiện nay mà nói, thủ tục đang chồng lên thủ tục, quyết định chồng quyết định. Muốn làm 1 dự án phải quay tới 4, 5 vòng thủ tục. Những dự án nào đã đưa vào chủ trương đầu tư công rồi thì cứ thế mà làm không cần phải làm thủ tục gì nữa hết.
Cuối cùng, cần có một thể chế (có thể là một Nghị quyết của Bộ Chính trị) bảo vệ sứ mệnh chính trị của những người năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì mục đích chung.
Trong đó, phải lấy hiệu quả tổng thể làm thước đo đánh giá chứ không phải lấy quy trình, quy định làm thước đo đánh giá.
Nghĩa là, trong 10 dự án họ quyết định, có thể sai 1 cái nhưng 9 cái thành công, thì cần được đánh giá là thành công. Chúng ta hãy nhìn vào kết quả tổng thể, chứ đừng nhìn vào 1 dự án thất bại mà đánh giá người ta, cuối cùng mang ra kiểm điểm, thậm chí là tù tội.
Tôi nhấn mạnh rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc trì trệ trong đầu tư công đó chính là tất cả mọi người đều sợ rủi ro, không muốn quyết định, không muốn triển khai và sợ sai.
Vì vậy, với những điều như tôi kể trên, tôi cho rằng sẽ tạo ra niềm tin và độ an toàn cho những cán bộ lãnh đạo thực sự tâm huyết, trăn trở về sự phát triển của quốc gia và của địa phương dám năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm tìm ra những cách làm mới tìm ra những phương án tốt nhất hiệu quả nhất cho sự phát triển.
Còn nếu như chúng ta cứ làm theo quy định, tiến theo quy trình như hiện nay thì rõ ràng mọi người sẽ chọn phương án an toàn nhất và ít rủi ro nhất cho bản thân, chứ không phải phương án ít rủi ro nhất cho sự phát triển.
Bức tranh kinh tế dự báo xấu đi, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Vậy, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần thay đổi như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Cứu doanh nghiệp là để cứu cả nền kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển. Chính vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư công thì việc kéo dài thời hạn áp dụng những chính sách, chương trình hỗ trợ cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Hiện nay, chính sách hỗ trợ thì đã có nhưng cần phải kéo dài thêm. Đơn cử như việc giãn, hoãn nộp thuế cần được gia hạn tiếp thay vì hết hạn vào tháng 9 tháng 10 này. Thậm chí, chúng ta có thể miễn, giảm một số loại thuế, phí thay vì chỉ giãn, hoãn.
Ví dụ chi phí công đoàn, theo tôi, không nên giãn, hoãn mà nên miễn hoàn toàn cho doanh nghiệp trong vòng một vài năm. Nếu sau đó có thu, thì cũng nên giảm xuống 1% thay vì con số 2% như hiện tại.
Đối với chính sách tiền tệ, phải tính đến có giảm được chi phí cho doanh nghiệp hay không ngoài những cái lâu nay chúng ta làm là cơ cấu lại nợ, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng có thể xem xét bổ sung thêm những gói hỗ trợ cần thiết khác tùy thuộc vào thực tiễn. Điều quan trọng hơn nữa vẫn là, sau khi có chính sách thì việc thực thi phải tốt.
Các chính sách này cần được triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt bằng những công cụ cách thức sáng tạo chứ không phải là làm theo quy định. Bây giờ tình hình hoàn toàn mới, đừng đặt ra những điều kiện quy định để chính sách không thể thực hiện được, thậm chí là đi ngược với mục đích của chính sách.
Hay như là việc cho vay trả tiền lương cho công nhân. Anh đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh được tổn thất. Ai chứng minh được? Nếu chứng minh được những thứ như thế thì đã qua rất nhiều tháng rồi, hết thời gian áp dụng của chính sách rồi.
Ngoài ra, chúng ta đều biết, mục tiêu của chính sách hỗ trợ là trả lương công nhân để giữ công nhân ở lại cùng doanh nghiệp vượt khó nhưng đưa ra điều kiện là phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên mới hỗ trợ vay. Những điều kiện, chỉ tiêu như thế đi ngược lại các mục tiêu chúng ta.
Theo ông nên bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Vậy thì nguồn lực lấy ở đâu?
Tất nhiên là nguồn lực bao giờ cũng hữu hạn. Vậy thì lấy ở đâu?
Trong bối cảnh hiện nay, mình phải tính lại kịch bản tăng trưởng trong đó nhấn mạnh đến phục hồi tăng trưởng. Rõ ràng là tăng trưởng hiện nay không thể cao được. Do đó, thu ngân sách cũng không thể nhiều được, trong khi chi ngân sách lại tăng lên.
Như vậy, phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, thay đổi chỉ tiêu bội chi ngân sách và thay đổi chỉ tiêu trần nợ công để huy động trong nước, huy động ngoài nước thêm.
Nguồn lực hữu hạn, vậy theo ông tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp như thế nào thì hiệu quả?
Rất khó trả lời về vấn đề này.
Trước tiên phải nhìn nhận rằng, một khi "bão" Covid-19 ập đến thì không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp ở nước ngoài… đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh không phân biệt thành phần kinh tế, quốc gia, dân tộc, nó rất bình đẳng trong việc gây tác động.
Ngoại trừ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin… có thể chịu ảnh hưởng xấu thấp hơn, thì một số ngành đang phải hứng chịu tác động trực tiếp, rất mạnh và ngay lập tức, điển hình là lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả vận chuyển hàng không.
Tuy nhiên, ở Việt Nam dư địa của tài khóa và tiền tệ không nhiều cho nên chúng ta phải rất lựa chọn trọng tâm để đưa ra phương án giải quyết cho vấn đề này.
Theo quan điểm cá nhân tôi, trọng tâm đầu tiên cần ưu tiên ở đây chính là giữ lao động, an sinh xã hội. Hay nói cách khác là duy trì lao động, duy trì việc làm và duy trì thu nhập cho người lao động. Có thể giảm nhưng đừng để thu nhập của người lao động bị đứt quãng. Đấy là cái tôi cho rằng chúng ta phải chú ý đến khi xem xét "cứu trợ".
Tôi lấy ví dụ như giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ nếu phải lựa chọn thì tôi cho rằng cần cứu trợ doanh nghiệp lớn. Bởi doanh nghiệp lớn nếu thất bại thì quay trở hoạt động sẽ rất khó. Những doanh nghiệp nhỏ, quy mô nhỏ nếu có ngừng hoạt động thì sau khi quay trở lại có thể hồi phục nhanh hơn.
Còn nếu nhìn theo chuỗi giá trị, chúng ta sẽ thấy rằng, cần hỗ trợ duy trì năng lực cho những ngành nghề, doanh nghiệp khi phục hồi kinh tế nó phải là người vực dậy đầu tiên.
Ví dụ như giao thông vận tải và nhà hàng, khách sạn thì giao thông có thể hỗ trợ còn nhà hàng, khách sạn thì không. Bởi vì, giao thông vận tải là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên nhưng cũng là đối tượng phải khôi phục ngay tức khắc. Khi đó, mới phục hồi kinh tế được.
Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Nội dung và trình bày: Lê Thúy
Đăng nhận xét