Những vùng tiêu chết
Được biết, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức chuyến khảo sát nhằm mục đích đánh giá năng suất và sản lượng hồ tiêu vụ 2020; ước tính tỷ lệ diện tích tăng, giảm; các yếu tố thời tiết, sâu bệnh, chăm sóc đối với vụ 2021; điều tra lượng hàng tồn trong dân; khả năng duy trì và phục hồi vườn tiêu; tìm hiểu quy trình canh tác, hướng phát triển và kết nối nông dân, nhà xuất khẩu trong nước.
"Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) đánh giá, trên dưới 240.000 tấn là con số dự đoán tạm chấp nhận được.
"Nhưng mọi chuyện sẽ không đi quá xa nếu VPA không tùy tiện dự đoán thêm một con số vô lý khác, có khả năng gây bất lợi cho ngành hồ tiêu. Đó là trên dưới 220.000 tấn cho niên vụ 2021".
Năng suất sụt giảm là phần có thể dễ dàng nhìn thấy. Tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước), ông Phạm Thanh Chung - Giám đốc HTX Hồ tiêu Lộc Quang cho biết, tỷ lệ diện tích chuyển đổi cây trồng khác ở trong vùng chiếm 15 - 20%; chi phí đầu tư giảm khoảng 40% cho vụ 2019-2020; tồn kho trong dân chỉ khoảng 20%.
"Ngay tại HTX Lộc Quang, dù diện tích vẫn giữ nguyên với 21ha của 9 thành viên nhưng sản lượng tiêu năm 2020 chỉ đạt 40 tấn, giảm 40% so với năm 2019" - ông Chung nói.
Theo VPA, do có nhiều vườn cây già cỗi, tuổi đời trung bình trên dưới 20 năm nên năng suất tiêu đạt thấp. Giá tiêu lại giảm mạnh nhiều năm qua trong khi chi phí sản xuất tăng, nông dân đã giảm đầu tư cho vườn cây. VPA dự báo diện tích hồ tiêu Lộc Ninh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung sẽ giảm khoảng 20%.
Tại Gia Lai, dọc tuyến đường khảo sát ở huyện Đăk Đoa, Mang Yang, tỷ lệ tiêu chết khoảng 40-50% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2017.
Tiêu chết ở vùng Chư Sê, Chư Pưh được báo cáo với con số cao hơn, khoảng 60-70%. Khó khăn về vốn chăm sóc, đầu tư; bất lợi về thời tiết; bệnh chết nhanh, chết chậm và sâu hại đã đẩy nông dân trồng tiêu Gia Lai vào cảnh khó khăn khi hàng loạt vườn tiêu bị chết, không có khả năng phục hồi.
Tương tự, tại các vườn tiêu ở Cư M'Gar, thị xã Buôn Hồ, Krông Năng đến Ea H'Leo (tỉnh Đăk Lăk) mà đoàn khảo sát đi qua, diện tích vườn tiêu cằn cỗi và chết trong các khu vực này khá cao.
Vẫn có vườn tốt
Tuy nhiên, kết quả chuyến đi cũng ghi nhận có những vườn tiêu chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, thậm chí phát triển tốt. Ngay tại Đăk Lăk, các vườn tiêu được chăm bón bằng phân hữu cơ, ít sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học, có trụ sống che mát đều vẫn phát triển tốt và bền vững.
Như các vườn tiêu tại huyện Cư Kuin vẫn phát triển khá tốt dù có dấu hiệu xuống cấp so với năm trước.
Theo VPA, thực tế cho thấy diện tích tiêu cho năng suất tốt là những vườn có liên kết với các công ty xuất khẩu với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, sử dụng trụ sống và trồng xen với cây cà phê. Diện tích tiêu bị chết đang dần được thay thế bởi cà phê, ngô, chanh dây. Ước sản lượng tiêu thu hoạch năm 2020 của Đăk Lăk giảm 20% so với 2019.
Hoặc tại 2 huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất của Đăk Nông là Đăk R'Lấp và Đăk Song, thời tiết và thổ nhưỡng đã tạo thuận lợi cho canh tác hồ tiêu. Sản lượng thu hoạch vụ 2020 chỉ giảm nhẹ so với năm 2019. Diện tích tiêu chết chủ yếu là do già cỗi nhưng không đáng kể.
Bù lại, diện tích các vườn tiêu mới đang trong giai đoạn cho năng suất. Do đó, dự báo sản lượng hồ tiêu tại tỉnh Đăk Nông vụ 2021 không thấp hơn năm trước.
Báo cáo của VPA cho biết, khoảng 80% nông dân ở 2 huyện này sử dụng vốn vay ngân hàng hoặc ứng tiền trước từ các đại lý để tái đầu tư. Do đó, tiêu tồn kho trong dân không nhiều. Niềm tin tăng giá trong giai đoạn tới là động lực giúp nông dân tiếp tục duy trì và thậm chí có khả năng tăng đầu tư trong năm sau.
Đánh giá chung toàn chuyến khảo sát của VPA vì thế, vẫn ghi nhận tồn tại song song 2 hiện trạng sức khỏe của các vườn tiêu. Tồn kho trong hệ thống các đại lý cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thống kê được. Tồn kho trong dân chỉ khoảng 20% do phần lớn nông dân đã bán để trả nợ ngân hàng và trang trải chi phí sản xuất.
"Do những lý do trên, ước tính sản lượng hồ tiêu niên vụ năm 2020 giảm khoảng 15% so với năm 2019, đạt khoảng trên dưới 240.000 tấn" - báo cáo viết.
Đăng nhận xét