Ngày 4/3, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) sẽ khai mạc, đánh dấu mở đầu kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa XIV cũng bắt đầu một ngày sau đó.
Theo Hoàn Cầu thời báo, kỳ họp vào đầu năm nay sẽ đưa ra những thay đổi về nhân sự, cũng như mục tiêu kinh tế, đối ngoại, mở cửa của Trung Quốc, sau thời gian dài gặp thách thức do Covid-19.
Tên gọi "lưỡng hội"
Kỳ họp lưỡng hội là sự kiện khi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại, hay Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) được tổ chức riêng biệt nhưng cùng thời điểm.
CPPCC là cơ quan tham vấn chính trị của Trung Quốc. Trong khi đó, Quốc hội Trung Quốc đảm nhận vai trò lập pháp, với khoảng 3.000 thành viên. Các đại biểu quốc hội Trung Quốc đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề, bao gồm giám đốc doanh nghiệp hay người nổi tiếng, theo Guardian.
Hôm 27/2, đài CGTN (Trung Quốc) đưa tin Xu Fengcan, một trong những nữ phi công đầu tiên của bộ binh Trung Quốc, có trong danh sách đại biểu quốc hội khóa XIV.
Không còn những gián đoạn
Năm nay cũng là lần đầu tiên sau khi Covid-19 bùng phát, hai phiên họp không bị ảnh hưởng bởi dịch. Kỳ họp năm 2020 bị hoãn vài tháng, trong khi sự kiện năm 2021 và 2022 chỉ kéo dài một tuần.
Các đại biểu quốc hội sẽ đến Bắc Kinh bỏ phiếu phê chuẩn luật, thay đổi nhân sự và duyệt ngân sách chính phủ trong phiên họp kéo dài hai tuần.
Dù vậy, phóng viên tác nghiệp tại sự kiện tuần này sẽ được cách ly tại khách sạn vào tối 2/3 trước khi được tham gia phiên họp vì lo ngại về rủi ro lây lan Covid-19.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến phát biểu khai mạc vào ngày 4/3. Đây cũng là cách nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra phương hướng chính sách trong năm tới.
Trước đó, các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhóm họp tại hội nghị toàn thể để bàn bạc về các chi tiết trong những chính sách.
Kỳ họp lưỡng hội thường là thời điểm Trung Quốc thông báo nhiều chính sách quan trọng. Trong kỳ họp năm 2020, kỳ họp đã thông qua luật an ninh quốc gia ở Hong Kong. Vào năm 2018, kỳ họp lưỡng hội đã bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước.
Điều được chờ đợi tại kỳ họp lần này
Lưỡng hội năm nay là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa XIV, cũng là sự kiện lớn tiếp theo được tổ chức sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vào Đại hội XX hồi tháng 10/2022, ông Tập đã được tái bổ nhiệm chức tổng bí thư và quân ủy trung ương Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 1/3 cho biết phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 28/2 đã xác nhận danh sách các ứng viên cho một vài vị trí chính phủ. Vị trí thủ tướng, ngân hàng trung ương và trong lĩnh vực tài chính dự kiến được công bố tại phiên họp lần này.
Wen Ti Sung, chuyên gia về chính trị Trung Quốc từ Đại học Quốc gia Australia, nói rằng việc kỳ vọng có những tuyên bố quan trọng là điều hợp lý, khi tương tự năm 2018, đây là thời điểm Trung Quốc bắt đầu khóa mới.
Hồi tháng 1, China Daily cho biết phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua dự thảo cải cách thể chế đảng và nhà nước Trung Quốc.
Ngoài những trọng tâm về phát triển kinh tế và tự chủ công nghệ, kỳ họp năm nay cũng dự kiến đưa ra các kế hoạch giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp.
Theo Global Times, nhiều kiến nghị và đề xuất đã được đệ trình trước kỳ họp lưỡng hội vào cuối tuần này tập trung vào tăng tỷ lệ sinh, sau khi Trung Quốc hồi năm 2022 ghi nhận lần đầu suy giảm dân số sau 61 năm.
Đăng nhận xét