Lệnh bắt giữ của ICC được đưa ra sau một cuộc điều tra về chiến của Nga ở Ukraine sau đề nghị từ hơn 40 quốc gia thành viên của ICC. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt đối với lãnh đạo của một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ý nghĩa tức thời của lệnh này bị hạn chế vì Nga không công nhận quyền tài phán của ICC. Cả Nga và Ukraine đều chưa phê chuẩn Quy chế Rome thành lập ICC. Trong khi 123 quốc gia đã ký Quy chế Rome, 41 quốc gia chưa ký trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài Nga, Israel, Sudan và Mỹ cũng đã rút lại chữ ký. Quốc hội Mỹ thậm chí đã thông qua luật vào năm 2002 cấm bất kỳ sự hợp tác nào với tòa án ICC.
Nhưng những chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới các quốc gia thành viên của ICC sẽ gặp rủi ro.
“Ông Putin có thể đến Trung Quốc, Syria, Iran, một số đồng minh của Nga, nhưng ông ấy sẽ không thể đi đến nhiều nước khác cũng như sẽ không đến các quốc gia thành viên ICC có thể bắt giữ ông”, Adil Ahmad Haque, một chuyên gia về luật quốc tế và xung đột vũ trang tại Đại học Rutgers ở Mỹ nói với Associated Press.
Củng cố quan hệ Nga - Trung
Nhiều nhà quan sát cho rằng động thái của ICC mang đầy động cơ chính trị và được cho là một phần trong cuộc chiến không giới hạn của phương Tây với Nga. Nhưng thời điểm của lệnh này rất đáng chú ý. Lệnh bắt giữ được ICC đưa ra vài ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow. Ông Tập được cho là tới thăm Moscow và mang theo đề xuất chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine.
Theo các chuyên gia động thái của ICC có thể củng cố quan hệ Nga-Trung. Trung Quốc, giống như Nga kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt và các hành động trừng phạt khác của phương Tây. Do đó, nhiều khả năng ông Tập sẽ phản đối động thái được cho là mang màu sắc chính trị của ICC. Và nếu có sự củng cố mối quan hệ Nga-Trung, thì bên thiệt hại sẽ là Ukraine vì ông Tập có thể từ bỏ đề xuất hòa bình. Ukraine khi đó sẽ phải tiếp tục là đấu trường đẫm máu của cuộc xung đột vũ trang chưa biết bao giờ mới có hồi kết trong khi phương Tây tiếp tục rót vũ khí cho Ukraine.
Gia tăng sự chia rẽ ở Nam bán cầu
Lệnh bắt ông Putin của ICC cũng có thể chia Nam bán cầu thành các nhóm thân phương Tây và chống phương Tây. Đã có nhiều khiếu nại ở một khu vực của Nam bán cầu (chủ yếu ở châu Phi) rằng ICC đang theo dõi và chỉ trừng phạt các nhà lãnh đạo của Nam bán cầu trong khi nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi vi phạm nhân quyền mà quân đội Mỹ và Vương quốc Anh gây ra ở các quốc gia khác nhau thuộc Nam bán cầu.
Theo tạp chí Foreign Affairs, đã có 31 vụ kiện được đưa ra trước ICC, trong đó có 8 vụ có kết quả trắng án hoặc không bị buộc tội, chỉ có 4 vụ dẫn đến kết quả là bồi thường hoặc bỏ tù. ICC đã truy tố hơn 40 cá nhân và điều đáng nói là tất cả họ đều đến từ các nước châu Phi.
Mỹ không phải là thành viên của ICC
Mỹ không muốn trở thành đối tượng của ICC và không phải là thành viên của ICC. Năm 2002, Quốc hội Mỹ thậm chí thông qua Đạo luật Bảo vệ Quân nhân Mỹ, yêu cầu chính phủ cắt hỗ trợ tài chính cho các thành viên ICC đã hành động chống lại lợi ích của Mỹ. Luật cho phép Tổng thống Mỹ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để trả tự do cho những người Mỹ bị ICC giam giữ. Chính quyền Bush cũng đã đạt được các thỏa thuận song phương với nhiều quốc gia để buộc họ không giao nộp người Mỹ cho ICC.
Năm 2018, ông John Bolton khi đó là Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng đã tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ không hợp tác với ICC và sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực truy đuổi công dân Mỹ hoặc Israel của ICC. Năm 2019, ông Mike Pompeo khi đó là Ngoại trưởng Mỹ đã đe dọa thu hồi thị thực của nhân viên ICC.
Tuy nhiên, Mỹ lại ủng hộ các hành động của ICC khi nhân viên của họ không liên quan đến các vụ điều tra và các bị cáo đến từ Nam bán cầu.
Ngoài ra, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng không phải là thành viên của ICC, nhấn mạnh rằng các can thiệp của ICC sẽ vi phạm chủ quyền của họ. Nga từ bỏ tư cách thành viên ICC vào năm 2016 sau khi ICC lên án Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Đăng nhận xét