Văn phòng nhà lãnh đạo Đài Loan cho biết, bà Thái khởi hành tới Mỹ ngày 29/3 trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 10 ngày, bao gồm các chuyến thăm tới Belize và Guatemala. Trên đường đi, bà Thái Anh Văn có kế hoạch dừng chân ở New York và một điểm dừng khác ở California, nơi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy cho biết ông sẽ gặp nhà lãnh đạo bất chấp những cảnh báo từ Trung Quốc.Bà cũng sẽ dừng lại ở Los Angeles trên đường trở về Đài Loan.
Trong khi bà Thái Anh Văn chưa xác nhận bất kỳ cuộc gặp nào với Hạ nghị sĩ McCarthy, các quan chức Đài Loan trước đó đã tiết lộ với tờ Financial Times rằng bà thực sự sẽ gặp nhà lập pháp Đảng Cộng hòa trong thời gian ở California. Cả hai bên đều miễn cưỡng công khai một cuộc họp như vậy để tránh gây ra phản ứng tức giận từ Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ có chủ quyền của mình.
Bà Thái nói rằng Đài Loan “bình tĩnh và tự tin, sẽ không nhượng bộ cũng không khiêu khích. Đài Loan sẽ vững bước trên con đường tự do dân chủ và tiến ra thế giới. Con đường này sẽ gập ghềnh nhưng Đài Loan không đơn độc”.
Phát ngôn viên của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, Zhu Fenglian, đã chỉ trích chuyến thăm, nói rằng bà Thái sẽ không chỉ ở trong khách sạn mà còn gặp gỡ các quan chức Mỹ.
“Nếu bà ấy liên lạc với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ McCarthy, đó sẽ là một hành động khiêu khích khác vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc, gây tổn hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời phá hủy hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan” - bà Zhu Fengliang phát biểu ngày 29/3. “Chúng tôi kiên quyết phản đối và nhất định sẽ có biện pháp đấu tranh”.
Mặc dù người phát ngôn không nêu rõ loại biện pháp đối phó nào sẽ được thực hiện, nhưng chuyến đi của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào năm ngoái tới Đài Loan đã gây ra phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh, và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chưa từng có trong không phận và vùng biển xung quanh Đài Loan để trả đũa.
Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi các nước ngoài không tiếp xúc ngoại giao trực tiếp với các quan chức Đài Loan, khẳng định đây là một phần lãnh thổ của mình theo nguyên tắc 'Một Trung Quốc'. Chỉ một số quốc gia công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập và mặc dù Hoa Kỳ không nằm trong số đó, nhưng các nhà lập pháp Hoa Kỳ thường xuyên tới hòn đảo này để dự các cuộc họp chính thức, trong khi Bộ Ngoại giao đã phê duyệt vô số đợt bán vũ khí cho Đài Bắc trong nhiều thập kỷ.
Washington từ lâu đã duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan, nhưng Tổng thống Joe Biden phần lớn đã từ bỏ cách tiếp cận đó, tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ đứng ra bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp Trung Quốc tấn công.
Hôm 26/3, đồng minh trung thành một thời của Đài Loan là Honduras đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Hiện chỉ có 13 quốc gia duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan.
Trung Quốc luôn khẳng định chính sách "Một Trung Quốc" và nói rằng, với tư cách là một tỉnh của Trung Quốc, hòn đảo này không có quyền đối với bất kỳ quan hệ nào giữa nhà nước với nhà nước.
Đăng nhận xét