Theo hãng tin Nga RT ngày 17/3, quân đội Ukraine đã lên tiếng nghi ngờ sau khi Ba Lan tuyên bố sẽ chuyển giao một số máy bay chiến đấu MiG-29 của họ, nhưng cũng nói rằng máy bay cũ là sự bổ sung đáng hoan nghênh nhưng sẽ giúp ích hạn chế, đồng thời yêu cầu thay thế bằng máy bay "hiện đại" do Mỹ sản xuất.
Ngày 16/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã thông báo về việc chuyển giao vũ khí sắp tới, lưu ý rằng Warsaw sẽ gửi bốn chiếc MiG-29 "đang hoạt động đầy đủ" vào một thời điểm nào đó "trong những ngày tới", đợt đầu tiên có tổng cộng khoảng một chục máy bay phản lực.
"Những chiếc MiG này vẫn đang phục vụ trong lực lượng không quân của Ba Lan. Chúng đang trong những năm hoạt động cuối cùng nhưng phần lớn vẫn hoạt động bình thường" ông nói về chiếc máy bay, biến thể đầu tiên được đưa vào phục vụ ở Liên Xô vào năm 1983.
Mặc dù trước đó Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết việc giao hàng có thể mất tới 6 tuần, nhưng với tuyên bố mới nhất của ông Duda cho thấy thời gian chuyển giao có thể diễn ra sớm hơn. Hiện vẫn chưa rõ các máy bay phản lực sẽ được vận chuyển qua biên giới như thế nào và khi nào chúng sẽ đến Ukraine.
Về phía Ukraine, mặc dù gửi lời cảm ơn về những vũ khí do Ba Lan vừa thông báo viện trợ, nhưng cũng cho biết rằng máy bay Liên Xô sẽ không đủ cho những gì Ukraine cần. Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yuri Ignat lưu ý rằng,những may bay này "không có khả năng thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường".
"MiG sẽ không giải quyết được các nhiệm vụ, chúng tôi cần những chiếc F-16", ông Yuri Ignat nói với các phóng viên, đồng thời nói thêm rằng trong khi những chiếc MiG sẽ "giúp tăng cường khả năng của chúng tôi", thì Ukraine cần "máy bay đa năng của phương Tây" để "giành lợi thế trước kẻ thù".
Moscow vẫn chưa đưa ra bình luận nào về việc chuyển giao MiG, nhưng đã nhiều lần cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột và khiến cho một giải pháp thương lượng là không thể.
Bất chấp những yêu cầu liên tục của Ukraine đối với máy bay chiến đấu của Mỹ, Nhà Trắng đã từ chối thực hiện. Người Phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên rằng, quyết định của Ba Lan "không thay đổi tính toán của chúng tôi liên quan đến F16". Tuy nhiên, Washington đã vạch ra những lằn ranh đỏ tương tự xung quanh các thiết bị quân sự khác trước đó trong cuộc xung đột, chẳng hạn như hệ thống tên lửa Patriot, nhưng sau đó đã đảo ngược hướng đi và cho phép chuyển hàng tới Kiev.
Warsaw trước đây cho biết họ sẽ chỉ cung cấp máy bay chiến đấu như một phần của liên minh quốc tế, nhưng dường như đang tiến hành kế hoạch một mình. Trong khi Slovakia, một thành viên NATO, gần đây báo hiệu rằng họ có thể sẵn sàng cung cấp MiG-29 của riêng mình, song đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Đăng nhận xét