Kế hoạch khám phá không gian của Nhật Bản: Khởi đầu không suôn sẻ

Kế hoạch khám phá không gian của Nhật Bản: vừa cất cánh đã "thăng thiên" - Ảnh 1.

Tên lửa H3 mang theo một vệ tinh quan sát mặt đất đang cất cánh tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở miền nam Nhật Bản vào hôm thứ Ba (Ảnh: Kyodo)

Hôm thứ 3 vừa qua, Cơ quan vũ trụ Nhật Bản thông báo rằng tên lửa mới nhất của nước này đã gặp sự cố chỉ sau vài phút bay thử nghiệm lần đầu tiên. Đây là một bước lùi trong ngành công nghệ vũ trụ mà Nhật Bản đang phấn đấu phát triển.

Mặc dù sự cố này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch khám phá không gian của Nhật Bản, nhưng điều đó có nghĩa nước này sẽ phải sản xuất một chiếc H3 mới để tiến hành thử nghiệm lần hai.

Tên lửa H3 cao khoảng 60 mét đã được phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở miền nam Nhật Bản vào sáng thứ Ba. Cơ quan vũ trụ Nhật Bản JAXA đã phát sóng video trực tiếp quá trình cất cánh và hạ cánh của tên lửa. Trong video, có thể thấy tên lửa phóng lên dưới ánh mặt trời rực rỡ với sự hỗ trợ của hai tên lửa phụ hai bên nhưng chỉ vài phút sau nó đã rơi xuống mặt đất.

Từ video được quay trong không gian, có thể thấy quá trình này gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, tên lửa H3 tách ra để chuyển sang giai đoạn thứ hai - đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất. Nhưng không lâu sau đó, một phát thanh viên trong đoạn video thông báo rằng họ không chắc chắn giai đoạn thứ hai của tên lửa còn hoạt động được.

Khoảng 15 phút sau khi phóng, tên lửa đã bị khai tử.

“H3 đã bị phá hủy theo chỉ dẫn vì không thể hoàn thành nhiệm vụ", phát thanh viên cho biết.

Đây là một biện pháp an toàn để đảm bảo các mảnh vỡ của tên lửa sẽ rơi xuống biển ở một khu vực xa xôi và không gây nguy hiểm cho người dân hoặc tài sản. Điều này đồng nghĩa Vệ tinh Quan sát Mặt đất Tiên tiến-3 của tên lửa cũng đã bị phá hủy. JAXA cho biết các mảnh vỡ sẽ rơi xuống vùng biển phía Đông Philippines.

Trong một cuộc họp báo vào chiều thứ Ba, Hiroshi Yamakawa - chủ tịch cơ quan vũ trụ đã lên tiếng xin lỗi về sự thất bại này và tuyên bố JAXA sẽ tiến hành rút kinh nghiệm, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng hơn cho các nhiệm vụ trong tương lai.

Các nước Đông Á đang khẳng định vị thế của mình trong ngành công nghệ vũ trụ với nhiều thành tựu đáng kể. Tháng trước, Trung Quốc đã xây xong trạm vũ trụ Thiên Cung, nơi các phi hành gia sẽ sinh hoạt và làm việc. Hàn Quốc cũng không kém cạnh khi gửi phi hành gia lên vũ trụ; phóng tên lửa Nuri tự mình chế tạo vào tháng 6 và gửi tàu vũ trụ lên mặt trăng bằng tên lửa của Mỹ vào tháng 8, đánh dấu sứ mệnh chinh phục mặt trăng của xứ sở Kim Chi.

Nhật Bản đã phát triển công nghệ vũ trụ mạnh mẽ từ hàng thập kỷ trước và là đối tác quan trọng của các nước khác trong việc quản lý Trạm vũ trụ quốc tế. Cuối năm 2020, tàu vũ trụ Hayabusa 2 đã mang về trái đất những mẫu vật quý giá từ tiểu hành tinh Ryugu cho các nhà khoa học nghiên cứu. Có nhiều công ty Nhật Bản cũng bắt tay vào các dự án về không gian, trong đó có Ispace với kế hoạch đưa tàu vũ trụ của mình đáp xuống mặt trăng vào tháng Tư sắp tới.

Nhật Bản mong muốn phát triển một tên lửa của riêng mình để thoải mái phóng lên không gian mà không phải lệ thuộc vào ai. Hiện tại, nước này đang sử dụng tên lửa H-IIA và dự kiến sẽ phóng thêm một số tên lửa trong năm sau. Nhật Bản cũng đang chế tạo lên lửa H3 mới do Mitsubishi Heavy Industries sản xuất với kỳ vọng tăng khả năng bay vào không gian bằng công nghệ của mình.

Kazuto Suzuki, giáo sư chính sách công ở Đại học Tokyo và là thành viên của ủy ban chính sách vũ trụ quốc gia Nhật Bản cho biết Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc chế tạo tên lửa mới.

Ông nói, Nhật Bản muốn cạnh tranh để bán tên lửa cho nước khác, nhưng họ đã làm quá phức tạp và quan tâm quá nhiều đến “kỹ thuật cao” hơn là giá cả và tính tiện dụng. Ông cho rằng đây là cơ hội để xem xét lại quá trình phát triển tên lửa của Nhật Bản và đề xuất đất nước cần giảm bớt những thủ tục không cần thiết.

Trong cuộc họp báo vào thứ Ba, ông Yamakawa cho rằng cơ quan cần chú trọng vào “sự tin cậy và minh bạch” nếu họ muốn thu hút các khách hàng tiềm năng cho chương trình phóng tên lửa của mình.

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất có tên lửa mới bị hỏng trong chuyến bay đầu tiên. Tháng 1 vừa qua, ABL Space Systems - một công ty Mỹ đã mất chiếc tên lửa đầu tiên của mình ngay khi vừa cất cánh từ Alaska. Tháng 12 vừa qua, LandSpace - một công ty Trung Quốc đã xác nhận chiếc tên lửa Zhuque-2 đã bị hỏng trong chuyến bay đầu tiên vượt khỏi quỹ đạo.

Đây là dịp để Nhật Bản rút ra bài học từ sự cố phóng tên lửa và nâng cao chất lượng quy trình sản xuất và phát triển tên lửa cũng như hoàn thiện hơn chương trình vũ trụ của mình.

Adblock test (Why?)