Những ngày sau khi quân đội Myanmar đảo chính để nắm chính quyền vào ngày 1/2 năm ngoái, hàng triệu người đã xuống đường phản đối và hình thành một phong trào bất tuân dân sự trong suốt một thời gian dài trên khắp Myanmar.
Một năm sau, quốc gia Đông Nam Á tiếp tục sa lầy vào xung đột, nền kinh tế vì thế bị tê liệt, chiến tranh lan rộng đến mọi khu vực, và các thể chế công cộng rơi vào tình trạng sụp đổ. Không ít những người biểu tình ôn hòa đã bị bắn, những người khác bị tra tấn và hàng nghìn thường dân đã thiệt mạng.
Các cuộc biểu tình hàng ngày ban đầu, hỗn loạn, bạo lực và đầy màu sắc nay đã được thay thế bằng một sự yên tĩnh kỳ lạ.
Để đánh dấu kỷ niệm của cuộc đảo chính, các nhà lãnh đạo biểu tình đã kêu gọi một "cuộc biểu tình im lặng" vào thứ Ba 1/2, kêu gọi mọi người ở nhà, đóng cửa hàng và ngừng hoạt động ngoài trời trong 6 giờ. Chính quyền quân sự đã phát hành các tờ rơi cảnh báo rằng những người tham gia sẽ bị buộc tội khủng bố, kích động và vi phạm luật truyền thông điện tử. Hàng chục người đã bị bắt.
Tuy nhiên, sự đàn áp như vậy của chính quyền quân sự vẫn khiến họ không thể củng cố quyền kiểm soát đất nước. Hàng trăm đơn vị nổi dậy có vũ trang đã mọc lên trên khắp đất nước và một Chính phủ thống nhất quốc gia - một phần do các quan chức dân cử bị lật đổ đứng đầu - đã được thành lập để giúp lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền quân sự.
"Kể từ những ngày đầu của cuộc đảo chính, khi các cuộc biểu tình tập trung ở các thành phố, xung đột đã lan sang phần còn lại của đất nước. Cuộc xung đột sẽ căng thẳng hơn trong năm tới vì những gì quân đội Myanmar đã làm là không thể chấp nhận", Ree Du, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Karenni, một trong nhiều nhóm vũ trang chống lại chính quyền quân sự cho biết.
Quân đội Myanmar đã bắt giữ hơn 100 quan chức dân cử, bao gồm cả lãnh đạo dân sự hàng đầu của đất nước, bà Aung San Suu Kyi, 76 tuổi. Bà Suu Kyi từng phải đối mặt với 173 năm tù cho 17 tội danh mà chính quyền quân sự cáo buộc. Cho đến nay, bà bị kết án với 5 tội danh.
Nhưng Thượng tướng Min Aung Hlaing - Tổng tư lệnh quân đội và lãnh đạo cuộc đảo chính, dường như đã đánh giá thấp sự phản đối của công chúng đối với ông và các tướng lĩnh của ông bất chấp một cuộc đàn áp ác liệt đã được thực hiện.
Padoh Saw Hla Htun, phát ngôn viên của Liên minh Quốc gia Karen, một nhóm dân tộc khác đòi quyền tự trị ở Myanmar cáo buộc: “Quân đội Myanmar đã sử dụng vũ lực cực đoan và không kích ở nhiều khu vực.Họ nhắm vào dân thường. Bây giờ họ đang gây chiến trên cả nước và cố gắng cai trị người dân bằng nỗi sợ hãi. Quân đội đã biến Myanmar thành một quốc gia thất bại trong vòng một năm qua".
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai 31/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên án "bạo lực không thể kể xiết đối với dân thường, bao gồm cả trẻ em" và từ chối quyền tiếp cận nhân đạo đối với hàng triệu người cần viện trợ cứu sinh do quân đội Myanmar thực hiện.
Đăng nhận xét