Chiến sự dữ dội lan đến gần Kiev
Theo Reuters, Bộ Chỉ huy lực lượng không quân Ukraine cũng cho biết, một trong những máy bay chiến đấu của họ đã bắn rơi một máy bay vận tải của Nga. Tuy nhiên, Reuters cho biết không thể xác minh độc lập các tuyên bố này.
Người dân Kiev đã được Bộ Quốc phòng Ukraine đã yêu cầu chế tạo bom xăng để đẩy lùi quân Nga.
Trước đó, vào đêm thứ Sáu 25/2, các nhân chứng cho biết đã nghe thấy những loạt đạn pháo và tiếng súng dữ dội từ khu vực phía tây của thành phố. Tiếng pháo vang lên thường xuyên, dường như cách xa trung tâm thành phố, và sau đó tiếp tục rền vang vào rạng sáng ngày thứ Bảy.
Tổng thống Zelenskiy đã tự quay phim cùng các phụ tá trên đường phố Kiev, thề bảo vệ nền độc lập của Ukraine.
"Đêm nay họ sẽ tấn công. Chúng tôi đều hiểu điều gì đang chờ đợi chúng tôi - Chúng tôi phải chống đỡ đêm nay. Số phận của Ukraine đang được quyết định ngay lúc này", Interfax Ukraine dẫn lời ông Zelenskiy nói.
Ông Zelenskiy cũng thông báo trên Twitter rằng đã có giao tranh dữ dội với những người chết ở lối vào các thành phố phía đông Chernihiv và Melitopol, cũng như tại Hostomel.
"Vinh quang cho những người bảo vệ của chúng tôi, cả nam và nữ, vinh quang cho Ukraine", ông Zelenskiy nói, đứng bên thủ tướng và các cố vấn trong một video được đăng để xác nhận ông vẫn đang ở thủ đô Kiev.
Hôm thứ Sáu, Moscow cho biết họ đã chiếm được sân bay Hostomel ở phía tây bắc thủ đô Kiev - một hậu phương tiềm tàng cho một cuộc tấn công vào Kiev khi lính dù Nga đổ bộ vào đây trong những giờ đầu tiên của cuộc chiến. Các nhà chức trách Ukraine thông báo có giao tranh ác liệt ở đó và họ sẽ nỗ lực giành lại sân bay này.
Một số gia đình đã đổ xô tới các nơi trú ẩn sau khi Kiev bị tên lửa của Nga tấn công. Những người khác cố gắng trong tuyệt vọng để lên những chuyến tàu đông đúc chạy về hướng Tây. Hàng trăm nghìn người Ukraine đã rời bỏ nhà cửa để đi tìm sự an toàn, theo người đứng đầu viện trợ của Liên Hợp Quốc.
Thị trưởng Kiev - cựu vô địch quyền anh hạng nặng thế giới Vitali Klitschko cho biết hôm thứ Sáu cảnh báo rằng, quân Nga đã xâm nhập vào thành phố.
Sau nhiều tuần cảnh báo từ các nhà lãnh đạo phương Tây, Tổng thống Nga Putin đã mở chiến dịch quân sự theo 3 hướng vào Ukraine từ phía bắc, phía đông và nam hôm thứ Năm 24/2. Cuộc xung đột được cho là đe dọa phá vỡ trật tự châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Putin đã viện dẫn sự cần thiết phải "phi hạt nhân hóa" Ukraine, loại bỏ chủ nghĩa tân Quốc xã và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở nước láng giềng là những lý do chính khiến ông phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.
Các nhân chứng cho biết, họ đã nghe thấy tiếng nổ và tiếng súng gần sân bay ở Kharkiv, thành phố thứ hai của Ukraine, sát biên giới với Nga. Quân đội Ukraine cho biết quân đội Nga đã bị chặn lại với tổn thất nặng nề gần thành phố Konotop, phía đông bắc nước này.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết lực lượng thiết giáp Nga đã mở một con đường tiến công mới về phía thủ đô Kiev sau khi thất bại trong việc chiếm Chernihiv.
Ukraine cho biết, tính đến nay hơn 1.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng. Nga không công bố số liệu thương vong.
Triển vọng đàm phán
Các chính phủ Nga và Ukraine hôm thứ Sáu 25/2 đã báo hiệu để ngỏ khả năng tổ chức các cuộc đàm phán ngay cả khi chính quyền ở Kiev kêu gọi người dân chiến đấu bảo vệ thủ đô trước sự tấn công của lực lượng Nga trong cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở châu Âu.
Phát ngôn viên Sergii Nykyforov của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết, Ukraine và Nga sẽ tham khảo ý kiến về thời gian và địa điểm đàm phán trong vài giờ tới, mang lại tia hy vọng đầu tiên về ngoại giao kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu.
Điện Kremlin trước đó cho biết họ đã chấp nhận đề nghị đàm phán của Ukraine và đã đề nghị cuộc gặp được tổ chức tại thủ đô Minsk của Belarus. Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã công khai bày tỏ sẵn sàng thảo luận về tình trạng độc lập của quốc gia nhưng Ukraine đã đề xuất Warsaw làm địa điểm tổ chức đàm phán với Nga. Tuy nhiên sau đó, theo phát ngôn viên Dmitry Peskov của Nga đã nhắc đến việc "tạm dừng" các cuộc tiếp xúc với lý do Ukraine triển khai các vũ khí tấn công trong khu dân cư, đe dọa dân thường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng, lời đề nghị của Nga là nỗ lực tiến hành ngoại giao "trước nòng súng", và quân đội của Tổng thống Vladimir Putin phải ngừng ném bom Ukraine nếu nước này nghiêm túc với các cuộc đàm phán.
Các lệnh trừng phạt nặng chưa từng có
Các động thái ngoại giao hoàn toàn hiện trái ngược với các sự kiện đang diễn ra trên thực địa. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov. Liên minh châu Âu và Anh trước đó cũng đã đóng băng bất kỳ tài sản nào mà Putin và Lavrov nắm giữ trên lãnh thổ của họ. Canada cũng thực hiện các bước tương tự.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết quyết định phối hợp để trừng phạt Tổng thống Putin - điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn né tránh cho đến nay - nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng về sự đoàn kết đồng minh.
Tuy nhiên, việc gia tăng liên tục các biện pháp hạn chế kinh tế và trừng phạt được cho là không khiến Tổng thống Putin nhượng bộ. Hãng tin RIA đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các biện pháp trừng phạt mới phản ánh sự "bất lực tuyệt đối" của phương Tây.
Tại New York, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ trích cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ cũng bỏ phiếu trắng trong khi 11 thành viên còn lại bỏ phiếu ủng hộ.
Các quan chức cho biết, Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội Mỹ hỗ trợ 6,4 tỷ USD viện trợ an ninh và nhân đạo cho cuộc khủng hoảng.
Đăng nhận xét