“Con giun xéo lắm cũng quằn”
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã leo thang nhiều tháng qua, các bên hiện vẫn ở thế giằng co nhau, nhưng nỗi lo sợ về một cuộc xung đột lớn có thể nổ ra ở châu Âu đang tác động đáng kể đến thị trường thế giới, khiến giá vàng, giá chứng khoán, giá dầu, giá khí đốt… đều bị ảnh hưởng. Vậy tại sao cuộc khủng hoảng Ukraine lại xảy ra và tại sao nó xảy ra ở thời điểm này thưa ông?
- Nguồn gốc sâu xa là mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ-NATO cũng như cuộc cạnh tranh địa chính trị sau chiến tranh Lạnh (1947-1953), (1953-1985), (1985-1991). Mỹ-NATO muốn duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ thiết lập, không muốn Nga mạnh lên. Còn Nga thì muốn thiết lập lại trật tự thế giới đa cực, đồng thời Moscow không thể chấp nhận được việc NATO ngày càng mở rộng về phía Đông và triển khai vũ khí có thể đe dọa nước này hơn nữa.
Nga cho rằng NATO đã bội ước thỏa thuận ngầm ở Hội nghị Budapest năm 1991, trong đó NATO cam kết không mở rộng khối về phía Đông. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã khuyến khích mở rộng liên minh và NATO đã mở cánh cửa đến hơn một chục quốc gia trong đó nhắm gần đến biên giới Nga. NATO đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng trong "thiết kế": Mở rộng quá sâu vào chân vạc của địa chính trị Đông Âu, khiến nó phình to nhưng lại quá lỏng lẻo và quá khiêu khích Nga.
Ngoài ra, sau “cách mạng Cam” Maidan năm 2014, Ukraine đã thay đổi rất nhiều, từ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh... Chính quyền ở Kiev có quan điểm “nghiêng hẳn” về phía phương Tây, ra sức chống lại ảnh hưởng của Nga. Đặc biệt là sau khi ông Putin sáp nhập bán đảo Crimea, chính quyền Ukraine và phương Tây đã tạo ra một phong trào cực đoan rất mạnh chống lại Nga.
Về phần mình, Tổng thống Putin không thể chấp nhận để Mỹ, NATO lợi dụng Ukraine như một mũi dao găm chọc vào nách Nga. Ông đã cảnh báo Mỹ và NATO về một “lằn ranh đỏ”.
Nga hồi tháng 12/2021 gửi đề xuất an ninh 8 điểm với các "lằn ranh đỏ" cho Mỹ và NATO, trong đó có yêu cầu đảm bảo về mặt pháp lý rằng NATO không kết nạp thêm bất cứ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô, trong đó có Ukraine và Gruzia, đồng thời không triển khai vũ khí tấn công gần biên giới Nga.
Cần phải nhận thấy rằng, sau hơn 20 năm cầm quyền chèo lái đất nước, V. Putin đã vực dậy nước Nga, giúp Nga lấy lại vị thế của mình. Về kinh tế, chính trị, quân sự, nước Nga giờ đây đã mạnh lên rất nhiều, đoàn kết hơn rất nhiều so với thời kỳ Liên Xô mới sụp đổ. Nga hiện nay hoàn toàn có đủ khả năng đối đầu với NATO, buộc liên minh quân sự này phải coi trọng tiếng nói của Nga, xem xét các yêu cầu chính đáng của Nga về an ninh.
Cách đây 20 năm khi Liên Xô sụp đổ, Nga còn yếu, chưa đủ lực thì có thể nhẫn nhịn. Khi đó, tiếng nói của Nga có thể bị phớt lờ, bị NATO o ép. Nhưng giờ đã khác: Tiềm lực quốc phòng của Nga hiện đã mạnh lên rất nhiều, thậm chí, Nga còn có một số vũ khí mới tối tân vượt trội Mỹ và Nga nhận thấy Mỹ, NATO phớt lờ cảnh báo của Nga, sắp chạm vào “làn ranh đỏ” - giới hạn mà Nga cho là nguy hiểm.
Đó cũng chính là lý do tại sao Nga đưa quân đội và khí tài đến biên giới của mình, sát Ukraine để “răn đe” Mỹ và NATO vào thời điểm hiện nay.
Theo ông, căng thẳng Nga-Ukraine hiện nay có khả năng bùng nổ thành một cuộc xung đột không?
- Không! Rất khó để có thể xảy ra cuộc chiến tranh Nga-Mỹ ở thời điểm này. Nói đúng hơn, căng thẳng Nga-Ukraine hiện nay chỉ có thể bùng nổ thành một cuộc xung đột lớn khi và chỉ khi Ukraine gây chiến trước sau đó Mỹ, NATO can thiệp quân sự trực tiếp.
Trên thực tế, các bên đang căng như dây đàn, gây sức ép lẫn nhau để đạt được sự thỏa hiệp, nhượng bộ có lợi nhất cho mình, thế thôi. Tuy nhiên, cả Nga, Mỹ, NATO đều hiểu rõ rằng nếu chiến tranh nổ ra thì không bên nào có thể “sống sót”. Washington lẫn NATO thừa biết rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga đủ san phẳng nước Mỹ cũng như châu Âu và ngược lại, Nga cũng chịu tổn thất không kém.
"Ukraine không được gia nhập NATO"
Vậy Mỹ, NATO có ý đồ gì khi liên tục cáo buộc Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, thậm chí truyền thông phương Tây còn ra rả truyền đi thông tin rằng, Nga sẽ tấn công Ukraine vào ngày 16/2 thưa ông?
- Đầu tiên chúng ta cần nhớ rằng, hệ thống truyền thông của phương Tây vô cùng lớn mạnh và khủng khiếp, chiếm khoảng 80% lượng truyền thông của thế giới. Hệ thống truyền thông của phương Tây cũng đã có kinh nghiệm dày dạn trong việc kích động các cuộc xung đột trên thế giới. Vậy mục đích của phương Tây khi kích động xung đột Nga-Ukraine là gì?
Rõ ràng là vì lợi ích của chính họ. Một khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine thì Mỹ-Anh sẽ đứng ngoài hưởng lợi. 300 năm nay lãnh thổ Mỹ chưa từng phải hứng một quả bom (của bất cứ cuộc chiến nào), họ chỉ đi gây chiến ở nước ngoài, đứng ngoài kích động các cuộc chiến và bán vũ khí. Mỹ chắc chắn không dám đánh Nga, nhưng một khi Nga nổ súng tấn công Ukraine, họ sẽ có cớ để “hành hạ” Moscow bằng các lệnh trừng phạt nghiệt ngã chưa từng có như họ đã tuyên bố.
Nhưng Ukraine về sau đã rất tỉnh táo khi không tin vào những lời kích động, thổi phòng của Mỹ-NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhiều quan chức nước này đã nhận ra rằng, việc Mỹ-NATO thổi phồng mối đe dọa Nga tấn công Ukraine đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này cũng như gây ra tâm lý hoang mang, hoảng loạn trong xã hội Ukraine. Vì thế, chính ông Zelensky đã lên tiếng yêu cầu Mỹ-NATO cung cấp bằng chứng Nga sắp tấn công Ukraine, nhưng yêu cầu đó không được hồi đáp. Bởi vì làm gì có bằng chứng nào. Mỹ-NATO chỉ đang cố kích động xung đột giữa Nga và Ukraine để “đục nước béo cò” thôi.
Vậy cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ đi về đâu thưa ông? Lựa chọn nào sẽ là tốt nhất cho Ukraine?
- Tổng thống Putin đã nhiều lần tuyên bố Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine, còn việc điều động quân đội, vũ khí trên lãnh thổ của Nga là quyền của nước này. Nhưng nhà lãnh đạo Nga cũng tỏ ra rất kiên quyết đối với “lằn ranh đỏ” mà ông tuyên bố Mỹ, NATO không được vượt qua. Đó là gì? Là Ukraine không được phép gia nhập NATO, NATO không được triển khai tên lửa, vũ khí tấn công gần Nga…
Theo đó, lựa chọn tốt nhất cho Ukraine là nước này nên là một quốc gia trung lập, không ngả theo phương Tây chống Nga và ngược lại. Ở điểm này, Phần Lan – một đất nước nhỏ bé cạnh người hàng xóm -“Gấu khổng lồ” đã có sự lựa chọn khôn khéo, cân bằng giữa các ông lớn: Không ngả theo Nga cũng như không chủ trương gia nhập NATO, “chọc giận” Moscow.
Tổng thống Putin sẽ làm gì tiếp theo nếu Ukraine, Mỹ, NATO quyết không nhượng bộ thưa ông?
- Ông Putin sẽ tiếp tục vừa "đánh" vừa đàm thôi. "Đánh" ở đây là tiếp tục gây sức ép lên Ukraine và phương Tây. Vì thể diện, các bên hiện tại sẽ không bên nào chịu nhượng bộ bên nào cả. Cuộc khủng hoảng Ukraine cùng vì thế chưa thể kết thúc trong ngày một ngày hai mà có lẽ sẽ tiếp tục giằng co một thời gian nữa.
Nhưng cánh cửa đàm phán vẫn đang rộng mở và chắc chắn các bên sẽ phải tiếp tục ngồi xuống để nói chuyện với nhau nhằm tìm kiếm một giải pháp mà cả Nga, Mỹ và NATO đều chấp nhận được.
Có một điều chắc chắn rằng, ông Putin là bậc thầy về mưu lược-chiến lược. Ông ấy sẽ không "động binh" với Ukraine trừ khi Nga bị tấn công trước. Không có lý do gì để ông ấy tấn công nước láng giềng cả bởi hậu quả của một cuộc chiến là vô cùng khủng khiếp.
Việc Nga tuyên bố rút bớt quân hôm 15/2 – một ngày trước thời điểm truyền thông phương Tây cáo buộc Nga sẽ thực hiện một cuộc tấn công vào Ukraine (16/2) có ý nghĩa gì thưa ông? Đây là dấu hiệu Nga nhượng bộ, cuộc khủng hoảng sẽ hạ nhiệt?
- Quan hệ Nga-Mỹ, NATO và Ukraine hiện đang rất căng thẳng và chưa từng có sau chiến tranh Lạnh, có thể nói là đang ở trong tình trạng "bên miệng hố của chiến tranh", thậm chí truyền thông phương Tây còn chắc như đinh đóng cột: Ngày 16/2 Nga tấn công Ukraine. Truyền thông phương Tây đã khiến cả châu Âu hoảng loạn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova đăng trên mạng xã hội Twitter của Mỹ (có trụ sở ở San Francisco, California) và VKontakte ( VK) mạng xã hội của Nga có trụ sở ở St. Petersburg rằng: "Ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử là ngày cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của phương Tây đã thất bại. Họ đã bị bẽ mặt và thảm bại mà không cần một phát súng nào".
Một mặt cả hai căng thẳng lả vậy nhưng mặt khác hai bên đang cố gắng thông qua con đường ngoại giao, đàm phán để đi đến sự nhượng bộ nào đó, một thỏa thuận mà cả hai đều có thể chấp nhận, nhằm tìm ra giải pháp "tháo ngòi nổ chiến tranh". Cả hai đều nhận thấy điều đó là cần thiết ở thời điểm này. Các tín hiệu từ phía Mỹ, Anh, Đức, NATO hay Ukraine đều được Nga theo dõi chặt chẽ. Khi có tín hiệu hạ nhiệt, Nga thiện chí xem xét ngay.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Josep Borrell cũng đã nhấn mạnh "EU sẵn sàng thảo luận về những lo ngại an ninh của Nga", điều mà trước đây họ cự tuyệt hoặc phớt lờ.
Đáp lại, Điện Kremlin lập tức phát đi tín hiệu sẵn sàng duy trì đối thoại cởi mở để giải quyết khủng hoảng Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói các cuộc đàm phán "không thể diễn ra vô thời hạn, nhưng tôi sẽ đề nghị tiếp tục và tăng cường chúng trong giai đoạn này".
Ông Lavrov vừa tuyên bố rằng, đáp lại các đề xuất an ninh của Nga, Mỹ và NATO đã phản ứng tích cực với một số sáng kiến mà họ đã bác bỏ trong nhiều năm, như việc NATO giờ đây sẵn sàng thảo luận các hiệp ước kiểm soát vũ khí ở châu Âu.
Mục đích chính của Nga đó là Ukraine không tham gia liên minh quân sự NATO; không liên kết với nước khác để chống lại Nga; không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại Nga; và cả Nga lẫn Ukraine không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ hai nước.
Hy vọng rằng, cùng với một số mục tiêu quan trọng cả hai bên có thể chấp nhận, việc NATO giờ đây sẵn sàng thảo luận các Hiệp ước kiểm soát vũ khí ở Châu Âu sẽ làm cho cả châu Âu sang trang mới.
Đăng nhận xét