Chính quyền Biden đang cố gắng thiết lập một kênh liên lạc không chính thức (backchannel) với quân đội Nga để ngăn chặn một cuộc đụng độ ngẫu nhiên giữa các lực lượng Mỹ và Nga dọc theo biên giới Ukraine, trong bối cảnh Moscow tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Các nguồn tin cho biết, một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép các quan chức hai nước trao đổi thông tin để đảm bảo rằng các lực lượng Nga ở Ukraine tránh đụng độ với các lực lượng Mỹ hoạt động gần đó, bao gồm dọc theo biên giới Ba Lan và Biển Đen. Tuy nhiên, nguồn tin cũng nói thêm rằng đối với Nga, những phương án này không thể loại bỏ hoàn toàn mọi rủi ro đối với quân đội Mỹ trong khu vực.
Các nguồn tin cho biết, một số quan chức Mỹ tỏ ra dè dặt trong việc thiết lập kênh liên lạc riêng với Nga, vì lo ngại rằng điều này có thể đồng nghĩa với việc Mỹ đồng tình với hành động của Nga.
Được biết, kênh liên lạc không chính thức sẽ tập trung vào việc đảm bảo máy bay, tàu chiến của Nga và Mỹ hoạt động ở các khu vực riêng biệt.
Kênh liên lạc có thể bao gồm sĩ quan quân đội hàng đầu của Mỹ, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và người đồng cấp Nga, Tổng Tham mưu trưởng Nga, Tướng Valery Gerasimov, và Tư lệnh đồng minh tối cao NATO, Tướng Tod Wolters, cùng một vài sĩ quan hàng đầu khác của Nga, nguồn tin cho biết.
Các quan chức Lầu Năm Góc gần đây đã thảo luận về những kênh liên lạc khả thi với các quan chức cấp cao của Nga, một nguồn tin khác cho biết. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Nga có đồng ý với ý tưởng này hay không.
Vào thứ Sáu (25/2), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với NBC News tại Brussels rằng việc tránh xung đột với quân đội Nga là cần thiết, ông cũng đã nói chuyện với chỉ huy đồng minh tối cao của NATO về việc đảm bảo các kênh liên lạc với Moscow, bao gồm cả ở Biển Đen.
Năm 2015, trong cuộc xung đột ở Syria, nơi cả lực lượng Mỹ và Nga đều hoạt động, các sĩ quan quân đội cả hai nước đã thiết lập một kênh liên lạc nhằm ngăn chặn các vụ va chạm hoặc tránh nguy cơ trở thành mục tiêu tình cờ của nhau. Thỏa thuận cuối cùng bao gồm một đường dây nóng 24 giờ, thông qua đó các sĩ quan Mỹ và Nga liên tục thảo luận. Bất chấp các phương thức liên lạc được thiết lập ở Syria, đã có một số sự cố có nguy cơ gây ra khủng hoảng giữa hai siêu cường.
Vào tháng 11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Vụ bắn rơi máy bay chiến đấu làm dấy lên lo ngại Moscow sẽ trả đũa các máy bay NATO khác.
"Rủi ro luôn hiện hữu", Ben Hodges, trung tướng nghỉ hưu, người từng đứng đầu Quân đội Hoa Kỳ ở Châu Âu từ năm 2014 đến năm 2017, cho biết. Trong chiến đấu, ngay cả quân đội và phi công được đào tạo bài bản cũng có thể mắc sai lầm, Hodges, hiện là trưởng nhóm nghiên cứu chiến lược của Pershing tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu cho biết.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và sự hiện diện của Mỹ và NATO ở Đông Âu đồng nghĩa với việc hai quân đội hiện đang hoạt động gần nhau. Ông Hodges và các chuyên gia khác cho biết có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra, từ các cuộc tấn công mạng, lỗi điều hướng, tên lửa bị tấn công hoặc va chạm trên không...
James Stavridis, một đô đốc bốn sao đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy đồng minh tối cao của NATO cho biết: "Khả năng xảy ra tính toán sai lầm hoặc một tai nạn quân sự không phải là nhỏ. Lầu Năm Góc nên cố gắng để tránh xung đột với Nga hết mức có thể".
Đăng nhận xét