Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã sử dụng một loại hỗn hợp hóa học để kích thích sự phát triển chi ở ếch.
Nhóm nghiên cứu cho biết trong tự nhiên, chỉ có một số loài có thể mọc lại chi, chẳng hạn như kỳ nhông. Còn giống như con người, ếch trưởng thành không có khả năng tái tạo các chi một cách tự nhiên.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học bắt đầu bằng cách bôi một loại hỗn hợp hóa học gồm 5 loại thuốc được tẩm trong gel protein tơ tằm vào vết thương của ếch, sau đó bọc lại bằng một nắp silicone mà họ gọi là BioDome. Họ cắt bỏ tấm này sau 24 giờ, tiếp theo đợi 18 tháng để chi mọc lại.
David Kaplan, Giáo sư Kỹ thuật tại Tufts và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi sử dụng BioDome trong 24 giờ đầu tiên để tạo nên một môi trường giống như nước ối, kết hợp cùng với các loại thuốc phù hợp có thể cho phép chi mọc trở lại".
5 chất hóa học có chức năng rất cụ thể, bao gồm ức chế sản xuất collagen (dẫn đến sẹo), giảm viêm và kích thích sự phát triển của dây thần kinh, mạch máu cũng như cơ. Hỗn hợp này có mục đích ngăn chặn hệ thống miễn dịch của ếch đóng miệng vết thương.
Nirosha Murugan, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Khám phá Allen ở Tufts và là tác giả của bài báo cho biết: "Thật thú vị khi thấy rằng những loại thuốc này đã giúp chú ếch tạo ra một chi gần như hoàn chỉnh".
Việc con ếch mọc lại một chân với gần như đầy đủ chức năng là một kết quả đầy hy vọng đối với các nhà khoa học. Các chi mới có xương, dây thần kinh, thậm chí ếch có thể cảm thấy khi chân của chúng bị chạm vào và có thể sử dụng chân để bơi trong nước.
Đồng tác giả Michael Levin, Giám đốc Trung tâm Khám phá Allen tại Tufts, cho biết: "Chúng tôi sẽ thử nghiệm xem phương pháp điều trị này liệu có thể áp dụng cho các động vật có vú khác được không".
Đăng nhận xét