Theo KK News, vào những năm 1970, tại một ngôi làng ở Giang Tô, một người nông dân quyết định đào giếng trong sân nhà để tiện lấy nước nhưng không ngờ trong quá trình đào giếng lại xảy ra chuyện kỳ lạ.
Khi đào xuống độ sâu khoảng 2-3m thì bất ngờ có một lượng lớn nước màu đen ngòm từ mặt đất trào ra, dâng lên cao. Lúc đó, người nông dân chỉ cho là nước bẩn bình thường từ đất rỉ ra nên tiếp tục đào.
Nhưng đất phía dưới lại quá rắn, không thể đào tiếp. Lúc này, người nông dân bắt đầu cảm thấy có điều gì đó kỳ lạ nên không dám đào xuống nữa, bèn đổi chỗ đào giếng nhưng kết quả vẫn như cũ, cứ đào khoảng 3m thì nước đen trào ra và bên dưới đất quá rắn không thể đào tiếp nữa.
Cuối cùng, người nông dân đành từ bỏ việc đào giếng và cho rằng, sân nhà mình không thể đào giếng được. Dù có cố đào, thì nước giếng cũng đen xì kém chất lượng, không thể uống được.
20 năm sau, vào những năm 1990, ngôi làng được quy hoạch lại nên đoàn cán bộ địa chất đã đến từng nhà khảo sát. Đoàn cán bộ phát hiện sân nhà của người nông dân có nhiều hố sâu lớn, nước đen tích tụ bên dưới, đặc biệt khi quan sát kỹ có thể thấy những phiến đá xanh lờ mờ dưới làn nước đen.
Đoàn cán bộ địa chất cảm thấy kỳ lạ bèn mời các chuyên gia khảo cổ đến xem xét. Các nhà khảo cổ xem xét tỉ mỉ rồi nói rằng, bên dưới mảnh đất này có thể là một ngôi mộ cổ.
Sau một thời gian dài khảo sát địa chất và nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ đã kết luận rằng, đây là mộ cổ của con cháu Tư Mã Ý (179-251) - một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của nhà Tào Ngụy thời kỳ Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Tư Mã Ý cũng là người đặt nền móng cho nhà Tây Tấn thay thế nhà Nguỵ.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, quy mô của ngôi mộ phải rất lớn và nguy nga, suy ra nó không thể chỉ giới hạn trong sân của nhà người nông dân này được. Cuối cùng, các nhà khảo cổ đã tiến hành khảo sát toàn bộ ngôi làng và tìm thấy tổng cộng 9 ngôi mộ cổ bên dưới lòng đất.
Các chuyên gia khảo cổ rất phấn khích vì phát hiện cùng lúc 9 ngôi mộ cổ khổng lồ nhưng sau khi điều tra sâu, họ phát hiện ra rằng 9 ngôi mộ này đã bị đào trộm. Bên trong mộ giờ đây trống rỗng không còn hài cốt, chỉ còn lại rất ít di vật văn hóa. Mặc dù giá trị nghiên cứu của 9 ngôi mộ cổ không được như các nhà khảo cổ kỳ vọng, nhưng điều đáng mừng là vẫn còn một số di vật văn hóa còn sót lại, ẩn giấu trong các ngôi mộ cổ mà bọn trộm mộ đã bỏ qua hoặc không phát hiện ra. Những di vật này có nhiều giá trị nghiên cứu, đặc biệt là về thời Tam quốc hỗn loạn được nhiều người đặc biệt quan tâm.
Đăng nhận xét