Thời Tam Quốc, rất nhiều các danh tướng nổi lên và được lưu danh sử sách, trong đó nổi bật có Quan Vũ. Ông được đánh giá là vị tướng có tài năng, võ nghệ dũng mãnh, được người đương thời nhận xét là "sức địch vạn người, hổ thần một thời, có phong độ quốc sĩ". Ngay cả Tào Tháo cũng khâm phục và coi ông là một "nghĩa sĩ thiên hạ". Ông được người đời sau coi là một biểu tượng của những đức tính "danh lợi không đổi lòng, giàu sang không dâm loạn, nghèo hèn không nhụt chí, oai vũ không khuất phục".
Là người đứng đầu "Ngũ hổ tướng" nhưng tính tình lại kiêu ngạo, Quan Vũ luôn tự coi mình là nhân vật quan trọng nhất. Ông từng rất yêu quý Hoàng Trung và Mã Siêu, nhưng khi hai người này được gia nhập "Ngũ hổ tướng", cảm thấy địa vị của mình bị đe dọa, Quan Vũ lại chỉ trích họ không thương tiếc. Trong khi đó, Triệu Vân cũng nằm trong "Ngũ hổ tướng", Quan Vũ lại không hề có ý kiến gì, tại sao lại như vậy?
Nguyên nhân Quan Vũ không xem trọng Mã Siêu, Hoàng Trung
Mã Siêu là vị tướng dũng mãnh, từng có công đánh Tào Tháo ở Trường An đến mức cắt râu bỏ áo, lập được vô số công trạng. Bên cạnh đó, gia thế của Mã Siêu cũng không phải dạng vừa, gia đình ông từng cai quản cả một vùng Tây Lương, chắc chắn hơn Quan Vũ nhiều phần. Vậy thì hà cớ gì Quan Vũ lại không thích đứng cùng hàng ngũ với Mã Siêu?
Mọi người đều biết Quan Vũ là người đặc biệt coi trọng trung nghĩa, cả tiểu thuyết và phim truyền hình đều nhiều lần nhắc đến điều này. Tiếc thay, Mã Siêu lại không phải là người như vậy, ông bị nhiều người phê phán vì thói hung hăng thô bạo (do ảnh hưởng của việc từ nhỏ sống với người Khương) và những hành động thiếu cân nhắc như nổi dậy chống Tào Tháo, khiến gia đình đều bị Tào Tháo giết. Trong Ích Châu kỳ cựu truyện, Thái thú Thục quận là Vương Thương đánh giá Mã Siêu là kẻ "dũng mãnh mà bất nhân, thấy lợi không kể đến tình nghĩa". Trong cuốn sử Tam quốc chí, Trần Thọ cho rằng Mã Siêu là "kẻ ngông cuồng, tự đại, cuối cùng khiến cả họ tộc bị diệt vong". Chính vì những lí do như vậy mà một bậc đại trượng phu như Quan Vũ luôn coi thường cách cư xử thiếu nhân nghĩa của Mã Siêu, không hề có ý xem trọng ông ta.
Còn Hoàng Trung trong "Tam Quốc diễn nghĩa" được miêu tả là một lão tướng sở hữu sức mạnh vô song, sau khi đầu hàng Lưu Bị cũng lập được không ít công lao. Sự kiện Hoàng Trung quy hàng vô cùng hấp dẫn, đặc biệt là trận chiến giữa lão tướng này với Quan Vũ ở Trường Sa. Sau khi đối đầu nhau, Quan Vũ từng có một lần chủ động tha chết cho Hoàng Trung, Hoàng Trung cũng từng bắn một tên trúng chỏm mũ của Quan Vũ, tính ra "bất phân thắng bại".
Tuy nhiên, Quan Vũ cho rằng việc Hoàng Trung phải chịu ơn trong lần tha chết của mình chính là minh chứng cho thấy lão tướng này thua kém ông trên phương diện võ lực. Đó rất có thể là một trong những lý do khiến Quan Vân Trường không thực sự xem trọng Hoàng Trung, từ đó không muốn đứng ngang hàng với ông trong "Ngũ hổ tướng".
Vậy thái độ của Quan Vũ với Triệu Vân thì sao?
Bên cạnh Trương Phi, người còn lại trong "Ngũ hổ tướng" được Quan Vũ coi trọng chính là Triệu Vân. Xét về võ công, Triệu Tử Long chắc chắn không thua kém gì những người còn lại, ông từng lập nhiều kỳ tích trên chiến trường, đặc biệt nhất phải kể đến chiến công một mình đột phá vòng vây quân Tào như chốn không người, giải cứu ấu chúa Lưu Thiện. Trong trận chiến đó, ông đã giết được 50 viên tướng Tào, chặt gãy 2 lá cờ to và lấy được thanh gươm Thanh Công – gươm báu mạ vàng của Tào Tháo được cho là có thể chém gãy các loại binh khí.
Bên cạnh tài năng phi phàm, Quan Vũ còn kính trọng Triệu Vân nhờ lòng trung nghĩa hiếm có. Xưa kia, Triệu Tử Long theo phò Lưu Bị từ những ngày đầu, được cả 3 anh em xem như huynh đệ, cùng vào sinh ra tử không biết bao lần. Không chỉ thế, Triệu Vân còn là người có cách hành xử vô cùng thận trọng, xứng đáng là bậc chính nhân quân tử.
Vì vậy có thể nói, việc Triệu Vân được Quan Vũ coi trọng là điều hoàn toàn hợp lý. Thậm chí, người đời sau đánh giá rất cao tài năng và tấm lòng trung nghĩa của ông. Triệu Vân và Quan Vũ là 2 vị võ tướng duy nhất trong thời Tam quốc được vinh dự thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó thờ những vị quan văn, võ được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại).
Đăng nhận xét