Nói đến sự kiện lịch sử nổi tiếng "đốt sách, chôn Nho", ắt hẳn chúng ta sẽ nhớ ngay đến Tần Thủy Hoàng. Ông được biết tới là vị hoàng đế chuyên chế và độc ác, để củng cố nền thống trị chuyên quyền của mình, ông đã đốt các tác phẩm kinh điển và bức hại các học giả Nho giáo, điều này đã giáng một đòn mạnh vào sự kế thừa của nền văn hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên trên thực tế, việc đốt sách không hoàn toàn là do Hoàng đế Tần Thủy Hoàng nghĩ ra mà là do Tể tướng Lý Tư đề nghị. Sau khi thống nhất quốc gia, Lý Tư dâng tấu thư cho Tần Thủy Hoàng nói rằng: "Thời xưa thiên hạ tán loạn, không thể thống nhất là do chư hầu làm ra, lời nói đều lấy xưa mà chê nay, lấy lời hàm hồ mà làm loạn đời thực, người đời chỉ giỏi ở những sở học cá nhân, không có cái học chính thống và cao nhất. Nay hoàng thượng đã có trong thiên hạ trong tay, nên phân rõ trắng đen mà chọn lấy cái học cao nhất. Những điều sở học cá nhân mà ngược lại với việc dạy pháp luật, người nghe thấy tất sẽ bàn luận về nó, vào thì tâm không còn ngay thẳng, ra thì bàn tán ở chốn ngõ hẻm,… vì vậy cấm là tiện lợi hơn cả".
Đọc tấu thư của Lý Tư, Tần Thủy Hoàng phê rằng: "Chế viết: khả" (Xuống chế đồng ý), mà không phải là "Chiếu viết: khả" (Xuống chiếu đồng ý). Điều này có nghĩa là sao? Chiểu theo lễ chế nhà Tần, thông thường Hoàng Đế nếu viết rõ "Chế viết" thì có nghĩa là Thánh chỉ này chỉ ban bố dùng cho bá quan, chứ không được ban bố rộng khắp bách tính, tức là trong phạm vi hẹp. Còn "Chiếu viết" thì phải xuống chiếu thông cáo khắp thiên hạ. Do đó lời phê này của Thủy Hoàng trên thực tế là khẳng định kiến nghị của Lý Tư, đồng thời cũng ngầm chỉ việc "đốt sách" chỉ trong phạm vi nhỏ là bá quan trong triều - những người bị ảnh hưởng bởi 6 nước cũ trước đây, dùng nó để đàm luận, nghị luận việc triều chính. Điều này nếu không giải thích rõ, sẽ khiến nhiều người nhầm tưởng Tần Thủy Hoàng đốt sách của bá tánh.
Còn về việc "chôn Nho", cũng có nhiều lời giải thích hợp lý. Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng khao khát tìm thuốc trường sinh bất tử, điều này đã tạo điều kiện cho những kẻ muốn nhân cơ hội đánh lừa hoàng đế, vơ vét của cải tiền tài, điển hình như những đạo sĩ Hầu Sinh, Lư Sinh. Tần Thủy Hoàng vốn là người kiêu ngạo, sau khi biết bản thân bị lừa, những kẻ này không hề có tiên dược gì cả, ắt hẳn ông cảm thấy vô cùng căm ghét, tức giận.
Trên thực tế, Tần Thủy Hoàng không hề có ý muốn "chôn Nho". Nhà Tần lúc bấy giờ luôn chủ trương cai trị đất nước bằng chủ nghĩa luật pháp công bằng, 460 người bị Tần Thủy Hoàng chôn là bởi Hoàng đế ghét họ vì đã lừa dối hoặc tung ra những lời lẽ vu khống ông, chứ không phải trừng trị vì họ học chữ Nho. Thời đó thật sự có một số Nho sinh phản đối chính sách của Tần Thủy Hoàng, nhưng ông chỉ cấm họ ngôn luận trong triều, chứ chưa hề dùng đến hành động.
Đăng nhận xét