Thủ lĩnh giấu tên của ISIS-K trả lời phỏng vấn trên đài CNN.
Trả lời nữ phóng viên Clarissa Ward của đài CNN, người đang có mặt ở Afghanistan, thủ lĩnh giấu tên của ISIS-K (Nhà nước Hồi giáo tự xưng tỉnh Khorasan), nói nhóm khủng bố đang “ẩn mình chờ thời cơ thích hợp tấn công”.
Cuộc phỏng vấn diễn ra hai tuần trước vụ đánh bom đẫm máu khiến ít nhất 183 người chết ở sân bay Kabul, bao gồm 13 lính Mỹ và 28 thành viên Taliban.
Hai kẻ đánh bom tự sát của ISIS-K đã vượt qua chốt kiểm soát của Taliban, tới lối ra vào sân bay Kabul do binh sĩ Mỹ chốt chặn và kích nổ bom đeo trên người.
ISIS-K ngay sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố, nói rằng đây là lời cảnh báo về việc Taliban hợp tác với Mỹ. Từ lâu, Taliban là kẻ thù “không đội trời chung” với IS ở Afghanistan.
Cuộc trả lời phỏng vấn trên đài CNN diễn ra ở Kabul, trước khi Taliban kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Afghanistan.
ISIS-K là một nhánh của khủng bố IS ở Afghanistan.
Trong cuộc phỏng vấn, thủ lĩnh ISIS-K nói về việc từng là nhân vật cấp cao của Taliban, nhưng rời tổ chức vì nhận thấy Taliban không áp dụng đầy đủ luật Hồi giáo Sharia, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác.
“Chúng tôi từng chiến đấu dưới ngọn cờ của Taliban. Nhưng Taliban không phù hợp với chúng tôi về đức tin, nên chúng tôi đầu quân cho IS”, thủ lĩnh này nói.
Khi được phóng viên CNN đặt câu hỏi về những vụ đánh bom tự sát và hành quyết công khai, thủ lĩnh ISIS-K nói: “Bản thân tôi từng nhiều lần tận mắt chứng kiến. Trong một trận đánh với Taliban, người của tôi bắt được 5 tù binh. Họ bị hành quyết công khai tại chỗ”.
Thủ lĩnh ISIS-K còn nói rằng, các tay súng của tổ chức tàn bạo này đã nhiều lần chạm trán với đặc nhiệm Mỹ. “Chúng tôi đã chiến đấu với đặc nhiệm Mỹ, chạm trán rất nhiều lần”.
Trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, thủ lĩnh của ISIS-K nói tổ chức này đang chiêu mộ thêm thành viên và “khôi phục các hoạt động”.
Vụ đánh bom diễn ra ngày 26.8 chính là lời tuyên bố về sự trở lại của ISIS-K ở Afghanistan, sau nhiều năm hứng chịu tổn thất nặng nề bởi Mỹ và Taliban.
Ước tính ISIS-K chỉ còn khoảng 2.000 thành viên, rải rác trên khắp Afghanistan do tổ chức khủng bố này không còn kiểm soát bất kì khu vực lãnh thổ nào ở Afghanistan.
Đăng nhận xét