Tại đại hội đồng cổ đông 2020 của Vinaconex vừa diễn ra mới đây, HĐQT đã xin ý kiến cổ đông về việc tái cấu trúc phần vốn tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).
Theo đánh giá của HĐQT Vinaconex, cơ cấu vốn góp 50% - 50% của 2 thành viên là Vinaconex và Địa ốc Phú Long tại An Khánh JVC sẽ có bất lợi về mặt thời gian trong việc triển khai dự án do các vấn đề trọng yếu đều phải đạt được sự đồng thuận giữa 2 bên. Đây là một trong những lý do gây ra sự đình trệ của Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh.
Trong khi đó, khoản nợ vay tài chính lên đến 3.406 tỷ đồng làm phát sinh chi phí hàng năm rất lớn, tăng áp lực tài chính cũng như số lỗ lũy kế hàng năm. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu đầu tư bất động sản của Vinaconex trên thị trường, nhất là tại một dự án vốn được đánh giá tiềm năng như khu đô thị mới Bắc An Khánh.
Do đó, HĐQT Vinaconex đề ra 2 phương án tái cấu trúc.
Phương án 1, Vinaconex đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác có nhu cầu, thu hồi vốn và đầu tư vào các dự án tiềm năng khác.
Phương án 2, Vinaconex đàm phán mua toàn bộ phần vốn của Địa ốc Phú Long để chủ động điều hành và triển khai dự án.
Tại đại hội, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, cho biết một là chuyển nhượng cho bên sở hữu còn lại, nếu bên đó không đồng ý thì chuyển cho người khác. "Nhưng Vinaconex cũng sẵn sàng mua lại. Vinaconex có đủ khả năng, năng lực để thực hiện dự án. Đồng thời, Vinaconex muốn kết thúc câu chuyện này trong năm 2020".
Theo ông Thanh, dự án này 50/50, một đống tiền đang nằm ở đây mà không thu được trong khi đó lãi vay tăng, các cổ đông của An Khánh phải chịu tức là Vinaconex phải chịu 1 nửa.
Sự không nhất trí kéo dài không có lợi nên HĐQT đề ra phương án chuyển nhượng cổ phần cho Phú Long, nếu Phú Long không đồng ý, chuyển nhượng cho người khác để người khác làm với Phú Long. Phương án nữa là sẵn sàng mua lại nếu Phú Long bán, vấn đề giá cả như nào hợp lý, vấn đề có thích hay không thích. Tôi muốn kết thúc chuyện này trong năm 2020", ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết thêm, việc các cổ đông có những ý kiến tranh luận là hết sức bình thường. "Tuy nhiên, những tranh cãi đó nếu kéo dài, không tìm được tiếng nói chung thì cũng gây thiệt hại cho các cổ đông. Một đống tiền nằm ở đó không thu được gì, trong khi lãi vay ngày một tăng. Một năm mấy trăm tỷ tiền lãi".
Tuy vậy, câu chuyện về An Khánh JVC vẫn chưa được giải quyết trong đại hội đồng cổ đông lần này. Câu hỏi đặt ra vì sao Vinaconex không quyết định một cách dứt khoát bán lại 50% cổ phần cho Địa ốc Phú Long khi đối tác có nhu cầu mua?
Trên thực tế, phương án Vinaconex mua lại 50% cổ phần từ Địa ốc Phú Long để triển khai dự án rất khó khả thi. Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2019 đã được kiểm toán trên trang web chính thức của Vinaconex cho thấy, lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi đang tăng trưởng âm.
Chỉ trong 1 năm, quyền lực tập trung trong tay nhóm cổ đông chi phối An Quý Hưng, tại BCTC riêng thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm từ 285 tỷ đồng (2018) lên tới 1.123 tỷ đồng (2019). Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chính của toàn tổng công ty tại BCTC hợp nhất âm từ 50 tỷ (2018) lên đến âm 1.493 tỷ (2019).
Tình trạng này còn kéo dài tới quý I/2020, khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex vẫn âm tới 1.060 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh khiến lượng tiền (tiền và tương đương tiền, các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn) của Vinaconex hao hụt trông thấy. Tại thời điểm 31/3/2020, tổng lượng tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn) của Vinaconex chỉ còn hơn 1.747 tỷ đồng giảm hơn 554 tỷ đồng so với đầu năm.
Không những vậy, BCTC hợp nhất năm 2019 cũng cho thấy Vinaconex vay nợ ngân hàng tăng từ 3.700 tỷ đồng lên 4.812 tỷ đồng. Cùng với đó, các khoản Trả trước cho khách hàng và Phải thu khác tăng rất mạnh, từ 1.481 tỷ lên 3.009 tỷ đồng.
Như vậy, Vinaconex đang phải đi vay ngân hàng (có trả lãi suất) để tài trợ cho những tài sản rủi ro cao như Phải thu khác và Trả trước cho người bán. Còn so với thời điểm cuối năm 2018 (trước khi Vinaconex hoàn tất việc đổi chủ, về thành công ty con của An Quý Hưng), lượng tiền của Vinaconex chỉ gần bằng 60%.
Với năng lực tài chính, dòng tiền như hiện nay Vinaconex lấy tiền đâu để mua lại 50% cổ phần từ Địa ốc Phú Long? Hay lại đi vay với lãi suất cao. Cần phải nói rằng, số tiền 3.009 tỷ đồng từ các khoản Trả trước cho khách hàng và Phải thu khác được Vinaconex đi vay với lãi suất khá cao (11%/năm). Một doanh nghiệp đang phải vay nợ với lãi suất cao để trả nợ thì nguồn tiền để mua lại cổ phần sẽ cân đối thế nào?
Cần phải nói, tại đại hội cổ đông không ít cổ đông đã có ý kiến về việc Vinaconex nếu thật sự muốn An Khánh JVC phát triển, thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện tại thì nên quyết bán cho Địa ốc Phú Long.
Tuy nhiên, vấn đề này dường như chỉ được đặt ra tại đại hội chứ chưa thật sự muốn giải quyết nó. Sự giằng co kéo dài này sẽ khiến cổ đông mệt mỏi, doanh nghiệp thiệt hại. Có hay không việc Vinaconex chỉ muốn "đặt vấn đề" với câu chuyện An Khánh JVC chứ chưa thật sự muốn giải quyết nó?
An Khánh JVC được thành lập năm 2006, là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) diện tích hơn 264 ha, nằm tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã thực hiện được 50,7 ha, phần còn lại gần 195 ha (không bao gồm diện tích 18,5 ha trả lại TP Hà Nội). Công ty có vốn điều lệ hơn 680,53 tỷ đồng, do Vinaconex và CTCP Địa ốc Phú Long góp, mỗi bên 50%. Công tác giải phóng mặt bằng và quy hoạch 1/500 đã hoàn thành, công ty cũng đã thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất với Nhà nước.
Đăng nhận xét