Trong khi người trồng tiêu vốn đã chịu nhiều bất lợi, việc đưa ra dự báo nguồn cung sẽ là việc nhạy cảm nếu không đủ sức thuyết phục.
Liệu có lợi ích nhóm?
Câu chuyện tranh cãi bắt đầu ngay khi VPA chính thức công bố kết luận sau chuyến khảo sát 1 tháng. VPA cho rằng, con số dự báo trong kết luận là thống nhất chung nhưng các thành viên tham gia đoàn khảo sát lại phản đối kịch liệt.
"VPA mới đề nghị Bộ NNPTNT và các ngành liên quan, đặc biệt là Sở NNPTNT các địa phương cùng VPA tổ chức khảo sát đánh giá lại hiện trạng diện tích hồ tiêu thực tế trên cả nước một lần nữa. Lúc đó mới có thể có con số tương đối chính xác".
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch VPA
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) là một trong những người tham gia chuyến đi. Trong buổi họp cuối cùng lúc kết thúc khảo sát, các thành viên trong đoàn đã thống nhất với nhau là không nhận định sản lượng năm tới vì tiêu mới ra hoa, chưa có cơ sở thực tế.
Thực tế chuyến đi đã cho các thành viên thấy cây tiêu bị hư hao rất nhiều. Nông dân hoặc không còn đủ sức hoặc bỏ bê, không chăm sóc nên diện tích suy giảm. Sau chuyến đi, ông Bính nhận được dự thảo báo cáo để bổ sung ý kiến từ Văn phòng VPA. Lúc này, dự thảo hoàn toàn không có số liệu dự đoán sản lượng niên vụ 2021. Nhưng thông báo cuối cùng lại có con số dự kiến đưa vào.
Theo ông Bính, nếu sản lượng là 220.000 tấn thì rõ ràng nguồn cung năm tới của Việt Nam vẫn chưa thiếu, vì nó rất lớn so với phần diện tích thiệt hại. Điều này gây tác động ngược lại thị trường, mặt bằng giá mới không thể được thiết lập theo đúng cung cầu. Người trồng tiêu sẽ tiếp tục gặp khó.
Quan điểm cá nhân, ông Bính cho rằng, sản lượng dự báo sẽ thấp hơn con số VPA đưa ra rất nhiều. Thậm chí, ông Bính cho rằng, không loại trừ có hành vi "lợi ích nhóm", gây bất lợi cho toàn ngành thông qua việc lén lút đưa con số vào kết luận. "Vì có một số doanh nghiệp lớn đã lỡ ký hợp đồng bàn giao xa với giá thấp nên muốn tiếp tục giữ giá thấp để mua hàng" - ông Bính nói.
Lo ngại tác động xấu
Ông Nguyễn Duy Tường - Giám đốc Công ty TNHH Bách Sinh, ở thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) - một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong xuất khẩu hồ tiêu cho biết, nếu soi kỹ lại từ đầu đến cuối bản báo cáo, tất cả đều logic, phản ánh từ thực tế chuyến đi. Chỉ đến khi con số 220.000 tấn từ đâu "lẻn" vào mới thấy sự bất hợp lý.
"Mục đích của những người đưa con số này là muốn lũng đoạn thị trường theo hướng có lợi tức thì cho họ, nhưng lại gây nguy hại cho toàn ngành" - ông Tường nói.
Theo ông Tường, dữ liệu nguồn cung và cầu hồ tiêu thế giới từ Công ty Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam là nguồn đáng tin cậy để Công ty FDI này xây dựng chiến lược kinh doanh. Nhiều đơn vị khác cũng tham khảo nguồn này. Phân tích dữ liệu, sẽ thấy tại sao con số 220.000 tấn trở thành nhạy cảm.
Theo đó, nhu cầu hồ tiêu trên toàn cầu năm 2020 là 496.000 tấn nhưng tổng lượng cung là 558.000 tấn. Theo như dự đoán hiện nay là vẫn dư cung. Nhưng với tình hình hồ tiêu ở Việt Nam chết nhiều, kéo theo sản lượng sụt giảm vào năm 2021, cân bằng cung cầu là điều có thể nhìn thấy được.
Với nhu cầu 496.000 tấn, cộng với nhu cầu dự kiến tăng theo hàng năm là 2,4%; thì số lượng hạt tiêu thế giới phải dùng cho năm sau là 507.000 tấn. Tổng nguồn cung thế giới (chưa tính Việt Nam) là 287.000 tấn. Lấy 507.000 tấn trừ cho số 287.000 tấn ở trên sẽ ra con số 220.000 tấn mà VPA đã nêu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế IPC, lượng tồn kho của Việt Nam năm 2019 chuyển sang ước đạt 90.000 tấn. "Thông điệp của người đưa ra con số đó là lượng hàng vụ tới vẫn dư cung khủng khiếp" - ông Tường tính toán.
Là người gắn bó lâu năm ở vùng nguyên liệu hồ tiêu, ông Tường cho rằng, việc đưa ra con số dự báo vội vàng và vô lý như trên sẽ gây ra nhiều tác động xấu. Nó nhấn chìm hy vọng vốn đã mong manh của người nông dân rằng giá tiêu sẽ tăng trở lại.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch VPA lại không đồng ý các quan điểm nêu trên.
Theo ông Hải, tất cả các doanh nghiệp trong hiệp hội thống nhất con số tương đối như vậy. VPA đã có ý định thuê đơn vị độc lập làm khảo sát riêng nhưng chi phí quá lớn, Hiệp hội chưa thực hiện được. Con số và công tác thống kê hiện nay rõ ràng không có cách tính chính xác. Ngay việc khảo sát vừa rồi cũng chỉ là sơ khởi, chưa vào hết được tận những vùng sâu, vùng xa.
Đăng nhận xét