Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương"

Công ty đó chính là gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

19 năm trước, một công ty vô danh từ Trung Quốc đã thành lập 2 văn phòng đại diện đầu tiên ở Châu Âu: một tại ngoại ô Frankfurt (Đức) và một tại thị trấn nhỏ gần London (Anh). Không ai ngờ rằng gần 2 thập kỷ sau, công ty đó bị cấm cửa ở Anh và đứng trước nguy cơ bị Đức quay lưng.

Ngày nay, Huawei là biểu tượng của sự trỗi dậy đáng sợ của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nói riêng và mọi mặt trận kinh tế - chính trị nói chung. Với doanh thu ước đạt 123 tỷ USD trong năm 2019, Huawei trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, tiên phong cho tham vọng thống trị công nghệ toàn cầu của Bắc Kinh. 

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 1.

Với quốc gia đang ngồi vững ghế “siêu cường” như Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc nhanh chóng trở thành mối đe dọa. Rất nhanh, đế chế công nghệ Huawei của Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của Mỹ, trở thành tâm điểm trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Kể từ đó, Mỹ không ngừng nỗ lực kêu gọi các đồng minh cấm cửa Huawei. Sau Australia, Anh vừa trở thành quốc gia mới nhất đứng về phía Trump, quay lưng với Huawei.

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 2.

Thủ tướng Boris Johnson hôm 14/7 đã ra lệnh “thanh trừng” thiết bị mạng Huawei khỏi mạng 5G của Anh từ nay đến năm 2027, đồng thời cấm các nhà mạng mua linh kiện Huawei bắt đầu từ sau ngày 31/12/2020. Đây không chỉ là “đòn đau vỗ mặt” với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc mà còn có nguy cơ tác động đến quyết định của nhiều Chính phủ Châu Âu vốn đang lưỡng lự giữa áp lực từ hai phía Washington - Bắc Kinh.

Còn nhớ, CEO Huawei Nhậm Chính Phi hồi tháng 8/2019 từng tự tin: “Anh sẽ không đời nào nói không với Huawei”. Cho đến tháng 1/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn đồng ý cho phép Huawei cung cấp một phần linh kiện mạng 5G không cốt lõi để làm “đẹp lòng” Bắc Kinh. Nhưng sau vụ dịch Covid-19 và hàng loạt căng thẳng quanh vấn đề dự luật an ninh mới với Hồng Kông, quyết định của Anh đã thay đổi hoàn toàn.

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 3.

Điều Huawei lo lắng hơn là động thái của Anh có thể sẽ kéo theo hàng loạt các quốc gia Châu Âu còn lại “cấm cửa” Huawei.

Trước khi Anh quay lưng với Huawei, hầu hết các nước EU đều tự tin rằng họ có thể kiểm soát những rủi ro an ninh quốc gia mà Huawei mang lại như lời Mỹ cảnh báo. Đứng giữa căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung, EU tham vọng vừa tận dụng được nguồn cung thiết bị rẻ từ gã khổng lồ Trung Quốc để xây dựng mạng di động 5G lại vừa duy trì mối quan hệ êm đẹp với Mỹ. Nhưng chẳng có nước đi nào giúp EU “vẹn cả đôi đường”.

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 4.

Carisa Nietsche, một nhà nghiên cứu tại cơ quan cố vấn New American Security có mối liên hệ mật thiết với Nhà Trắng nhận định: “Sự thay đổi lập trường của Anh có thể nhắc nhở các quốc gia Châu Âu còn lại đánh giá về nguy cơ tiềm tàng từ các thiết bị viễn thông Huawei tới an ninh mạng 5G. Anh từ lâu đã là quốc gia có tầm ảnh hưởng ở Châu Âu. Khi Anh cấm Huawei, nhiều quốc gia Châu Âu khác có thể sẽ hành động tương tự.”

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 5.

Một trong những quốc gia tiếp theo có nguy cơ “nghỉ chơi” với Huawei là Đức. Nhà mạng Deutsche Telekom lớn bậc nhất nước Đức hiện sử dụng tới 90% thiết bị mạng từ Huawei, các nhà mạng khác cũng phụ thuộc phần lớn vào nguồn linh kiện từ gã khổng lồ Trung Quốc. 

Nội bộ Chính phủ Đức giờ đây đang chứng kiến vô số cuộc tranh cãi về vấn đề nên hay không nên cấm cửa Huawei. Nhiều nhà phê bình, nhà chính trị đối lập với Thủ tướng Angela Merkel đã nhân sự kiện Anh thay đổi lập trường để thúc đẩy Berlin đưa ra quyết định tương tự, viện dẫn rủi ro đáng kể cho an ninh quốc gia Đức. Từ bên ngoài, chính quyền Trump cũng nỗ lực thúc đẩy Đức cấm Huawei. Hồi đầu tuần, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã đến Paris tham gia chương trình nghị sự cấp cao với các quan chức từ Pháp, Anh, Đức và Italy. Trong đó, việc phát triển mạng 5G là nội dung quan trọng của hội đàm.

Tại một sự kiện có sự tham dự của ông Robert O’Brien, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã lên tiếng kêu gọi những người láng giềng Châu Âu ủng hộ Mỹ cấm cửa Huawei. Chính phủ Italy cũng đang cân nhắc nguy cơ “chia tay” Huawei còn cơ quan an ninh mạng Pháp trong tháng này thì cảnh báo các nhà mạng về rủi ro từ thiết bị Huawei.

Hàng loạt diễn biến đó chứng minh một điều: bằng việc quay lưng với Huawei, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson vô hình chung đã phá tan giấc mơ thống trị thị trường mạng 5G Châu Âu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Bắc Kinh tất nhiên nổi giận, đe dọa trả đũa London. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh thậm chí thẳng thắn chỉ trích chính phủ Anh “hoàn toàn mất đi sự độc lập và quyền tự chủ trong vấn đề Huawei”, đồng thời cáo buộc Mỹ “chơi bẩn” khi gây sức ép cho các quốc gia khác “đàn áp Huawei” như vậy”. Liu Xiaoming, đại sứ Trung Quốc tại Anh cũng bày tỏ sự thất vọng và gọi quyết định của Anh là một sai lầm. 

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 6.

Nhưng Mỹ thì vui mừng ra mặt. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông chịu hoàn toàn trách nhiệm về lệnh cấm Huawei của Anh. “Chúng tôi đã thuyết phục được phần lớn các quốc gia. Tôi đã tự mình thuyết phục các chính phủ không sử dụng thiết bị Huawei vì cho rằng nó gây ra rủi ro bảo mật lớn (với an ninh quốc gia)”. 

Sau hơn một năm thuyết phục các quốc gia đồng minh cấm Huawei, nỗ lực của Nhà Trắng cuối cùng đã thu về kết quả. 

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 7.

Tờ Telegraph nhận định: Khi Anh cấm cửa Huawei, “con rồng không chết, nhưng sẽ trọng thương".

Không chỉ bị Anh cấm cửa, Huawei còn nhận tin dữ từ đối tác thân thiết TSMC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới tại Đài Loan. TSMC từng là nhà cung cấp chip chủ chốt của Huawei, nhưng đã ngừng nhận đơn hàng mới từ gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc kể từ sau Bộ Quy tắc hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Mỹ hồi tháng 5 đã ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài. Trong đó, tất cả những nhà cung ứng chip sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấm phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. TSMC ngay sao đó đã tuyên bố không nhận thêm các đơn hàng mới từ Huawei để tuân thủ Bộ Quy tắc này.

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 8.

“Chúng tôi đang tuân theo những quy định chặt chẽ mới từ Mỹ. TSMC đã không nhận thêm đơn hàng mới nào từ Huawei kể từ hôm 15/5” - trích lời Chủ tịch TSMC Mark Liu. “Mặc dù Bộ Quy tắc của Mỹ mới chỉ thông qua giai đoạn trưng cầu ý kiến công khai, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) khó có thể thay đổi phán quyết sau cùng. Trong trường hợp này, TSMC không có kế hoạch vận chuyển các lô hàng wafer chip cho Huawei kể từ sau ngày 14/9”. 

Các đơn hàng đã đặt trước ngày 15/5 sẽ được chuyển đến Huawei trước ngày 14/9, theo ông Mark Liu. Các đơn hàng đặt sau ngày 15/5 sẽ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép.

Ước tính, 98% chip smartphone và phần lớn chip thiết bị mạng 5G của Huawei được sản xuất bởi TSMC. HiSilicon, công ty con chuyên về mảng phát triển chip của Huawei hiện chỉ có khả năng thiết kế chip, còn việc sản xuất phải phụ thuộc vào các hãng sản xuất chip hợp đồng như TSMC (Đài Loan). 

Không riêng TSMC, bất kỳ công ty chip nào trên thế giới sử dụng thiết bị sản xuất của Mỹ đều phải được Bộ này cấp phép nếu muốn làm ăn với Huawei. Bộ Quy tắc mới nhất của Mỹ gần như đã chặt đứt nguồn cung chip toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, vì hầu hết các nhà sản xuất chip trên thế giới đều sử dụng thiết bị, linh kiện, phần mềm, phần cứng của Mỹ. 

Ngay cả SMIC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc cũng thừa nhận sử dụng thiết bị của Mỹ và sẽ tuân thủ mọi quy định của Bộ Thương mại Mỹ trong vấn đề Huawei.

Huawei hồi đầu tuần đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020, trong đó doanh thu tăng mạnh 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 64 tỷ USD còn lợi nhuận ròng tăng vọt 9,2%. 

Riêng nhóm sản phẩm hạ tầng viễn thông (liên quan đến mạng di động 4G, 5G…) đạt doanh thu 22,6 tỷ USD, tức hơn 35% tổng doanh thu quý I và quý II. Đây được cho là kết quả kinh doanh vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích trong bối cảnh công ty chịu sức ép mạnh mẽ từ Washington.

Nhưng với nguy cơ bị cắt nguồn cung chip toàn cầu hiện nay, tương lai của Huawei là vô cùng bất ổn. Con chip là ‘linh hồn’ của đa số các dòng sản phẩm chủ chốt mà Huawei sản xuất, từ thiết bị mạng 5G thế hệ mới cho đến smartphone. 

Hiện bộ phận tiêu dùng (bao gồm các sản phẩm smartphone) đóng góp tới 467,3 tỷ CNY, tương đương hơn 50% tổng doanh thu Huawei trong năm 2019. Một khi nguồn cung chip từ TSMC bị chặn đứng, Huawei chắc chắn chịu tổn thất nặng nề.

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 9.

Guo Ping, Chủ tịch luân phiên cấp cao của Huawei hôm 18/5 thừa nhận: “Hoạt động kinh doanh của Huawei chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng (bởi Bộ quy tắc mới của Mỹ”, nhưng đồng thời lạc quan rằng “Chúng tôi tự tin sẽ sớm tìm ra giải pháp. Tồn tại là ưu tiên hàng đầu của Huawei trong thời điểm hiện tại”.

Thêm vào đó, cần lưu ý rằng quyết định cấm mua thiết bị viễn thông Huawei của Anh chỉ có hiệu lực sau ngày 31/12/2020. Tức là lệnh cấm vận của Anh có thể không gây ra thiệt hại lập tức, nhưng về lâu dài, những hệ lụy là vô cùng lớn.

Nhiều đồng minh Mỹ cấm cửa, Huawei "không chết cũng trọng thương" - Ảnh 10.