Cụ Nguyễn thị Niên (97 tuổi) đón con gái Trần Thị Huệ - người phụ nữ thất lạc gia đình 24 năm trở về trong căn nhà nằm lọt thỏm, im lìm trên đường đê Trần Khát Chân (Hà Nội) vào chiều 17/7.
Những người có mặt trong buổi chiều hôm ấy không khỏi ngạc nhiên vì bà cụ lưng còng, có mái tóc bạc phơ đứng ngóng rất lâu, nhưng khi con gái xuất hiện, cụ chỉ bồi hồi cầm bàn tay chỉ còn da bọc xương của con mà nắn, mà xoa chứ không khóc như lẽ thường bao cuộc hội ngộ.
Ông Trần Thế Nguyên (62 tuổi - anh trai bà Huệ) hiểu tâm tư của mẹ, ông biết cụ Niên cảm động lắm nhưng không khóc. Cả một cuộc đời đầy biến cố, thăng trầm, cụ vẫn luôn cứng cỏi như vậy. Chính ông và những người em của mình cũng ảnh hưởng nhiều từ tính cách của mẹ mình.
Ông Nguyên cho biết, cụ Niên người quê gốc Hưng Yên, từng là nữ du kích Hoàng Ngân một thời "đòn gánh đánh Tây" góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt, hào hùng của cả dân tộc. Cụ trải qua hai đời chồng, người chồng trước hi sinh để lại cho cụ một người con. Năm 1957, cụ lên Yên Bái khai hoang, gặp bố ông Nguyên rồi cùng về Hà Nội mưu sinh, 5 người con tiếp theo lần lượt ra đời, trong đó bà Huệ là người con thứ 3.
Cụ ông là công chức, tính tình hiền lành, cả đời cụ chỉ có công việc nhà nước, ngoài ra bao nhiêu việc nhà cửa, con cái đều do cụ bà quán xuyến. Huệ giống mẹ ở nết chăm chỉ, hiền lành nhưng dễ tin người, số phận truân chuyên, lận đận.
Tháng 9 âm lịch năm 1995, sau những biến cố gia đình tan vỡ, mất con lại bị người "chồng hờ" vũ phu đánh đập, hành hạ, Huệ đột nhiên mất tích, không một lời nhắn nhủ lại với gia đình. Héo mòn vì nhớ thương con nhưng cụ Niên vẫn đứng vững. Hàng ngày, cụ tần tảo buôn bán, cóp nhặt lo cho cuộc sống, không phiền bất cứ người con nào.
"Thế hệ sau sẽ khó có thể hình dung hết được cuộc sống của những người 'tay không bắt giặc', sống qua thời chiến trên mảnh đất này. Trong cuộc sống thường nhật, một chiếc khăn mặt mẹ tôi cũng dùng đến mức xơ ra mới chịu thay chiếc mới. Mỗi tháng có 350 ngàn đồng trợ cấp, bà cũng dành dụm không tiêu. Thức ăn hàng ngày của bà do con cháu mang đến, rau thì chủ yếu là rau "ế" của những người bán hàng mang cho. Thế nhưng, thi thoảng bà lại mua nải chuối, cân quả cho người này, người kia. Tháng trước có bà con họ hàng bị mất vì ung thư, bà nhờ người gửi cho gia đình đó 2 triệu đồng. Bà nghèo nhưng luôn nghĩ cho người khác", ông Nguyên nói.
Bà Đàm Thị Duệ (72 tuổi), đại diện hội phụ nữ kiêm tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Hàng ngày, người dân khu phố vẫn quen với hình ảnh cụ Niên mang ghế ra ngồi ngoài cổng, như mong ngóng cô con gái thất lạc. Cô Huệ mất tích, cụ cũng chỉ có một mình với vài trăm ngàn trợ cấp nhưng cụ luôn "đòi" được đóng góp đầy đủ các khoản tiền xây dựng khu phố như tất cả mọi người. Thấy cụ già yếu, sống một mình nên có khi chúng tôi qua bảo cụ không phải đóng, cụ bảo: "Cô ơi, cô đừng truất quyền làm phụ nữ của tôi".
Một ngày sau khi bà Huệ trở về, căn nhà nhỏ rộn rã tiếng nói, tiếng cười của con, cháu và những người hàng xóm quen thuộc, Khi mọi người hỏi chuyện Huệ, cụ Niên chỉ ngồi im lặng lắng nghe. Cụ từ tốn, nhỏ nhẹ, thi thoảng mắng yêu con gái vài câu nhưng ai cũng biết, chất chứa trong những lời tưởng như mắng mỏ đó là niềm vui, là tình mẫu tử bao lâu nay tưởng chừng đã đứt đoạn.
Cụ kể, lúc hơn 20 tuổi Huệ làm ở nhà máy dệt, cụ gả con gái cho một người ở phố Quán Thánh. Đôi vợ chồng trẻ khi ấy có một đứa con nhưng không nuôi được, sau đó thì tan vỡ. Bi kịch chưa dừng lại, Huệ về nhà mẹ ở, làm công việc buôn bán lặt vặt rồi quen với một đối tượng du côn, bất hảo, Huệ thường xuyên bị đánh đập, hành hạ. Khi bà Huệ mất tích, cụ nghĩ con gái đã lên cầu Long Biên gieo mình xuống, bởi trước đó Huệ cũng đã bất ổn tâm lý sau những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần.
Tháng năm héo hon vì chờ đợi, không một dòng tin báo về, ai hỏi đến Huệ cụ Niên cũng chỉ biết nuốt nước mắt, tự nhủ với lòng rằng con gái đã mất rồi. Cho đến khi nhận tin báo bà Huệ đang ở khu cách ly trên Lạng Sơn, nói có bố là Trần Văn Tuấn, mẹ là Nguyễn Thị Niên thì cụ mới biết con mình vẫn còn sống.
Tìm được cô con gái sau bao nhiêu năm xa cách, cụ vui và khoẻ hẳn ra bởi những ngày tháng xế bóng của tuổi già, cụ đã có con bầu bạn bên cạnh. Trước đó, mỗi lúc ốm đau cụ cũng ít khi nhờ đến ông Nguyên hay những người con khác bởi theo cụ con cái đã có gia đình riêng, có những mối lo riêng nên không muốn nhờ vả.
"Bây giờ yên tâm hơn, đêm ngã thì có người nâng. Tôi già rồi, Huệ nó không được nhanh nhẹn, nhưng tôi có trợ cấp mỗi tháng mấy trăm ngàn, hai mẹ con ăn rau, con tôm con tép cũng đủ qua ngày", cụ Niên nói.
Kí ức về những ngày chia cắt vẫn còn ám ảnh, bà Huệ ngồi ở đâu cụ Niên cũng để mắt tới. Huệ lò dò đi ra phía cổng, cụ cũng bỏ hết việc để đi theo. Sống tới gần trăm tuổi, cụ nơm nớp lo sợ sẽ mất con thêm lần nữa.
Mấy ngày này, cụ Niên bảo con trai, con gái không phải mang đồ ăn đến. Cụ nói từ nay sẽ "huấn luyện" để Huệ tự lập, sau này có thể tự chăm sóc bản thân. Cụ Niên tỉ mẩn dạy Huệ làm từ những việc nhỏ nhất như nhặt rau, vo gạo.
Người phụ nữ 60 tuổi không được minh mẫn, lóng ngóng như đứa trẻ lên 10, nhưng miệng luôn tủm tỉm cười, trò chuyện với mẹ bằng thứ ngôn ngữ nửa Việt, nửa Trung.
Mỗi buổi chiều, người dân trên con đường đê không còn thấy cụ già tóc bạc, lưng còng ngồi chờ con nữa. Bởi, khi đó cụ Niên đang quây quần bên con gái, mẹ con cùng chuẩn bị bữa cơm nhà.
Sự trở về của bà Trần Thị Huệ như là cơ duyên xảy ra một cách vô tình. Bằng những câu từ nửa Việt nửa Trung chắp nối lại, bà Huệ kể mình được bạn rủ sang bên kia biên giới. Tại xứ người, bà làm công việc trồng cây, hái quả trong nông trường.
Trước câu chuyện kì lạ của em gái, ông Trần Thế Nguyên cho rằng, có lẽ nếu không vì tình hình dịch bệnh, khiến phía bên kia biên giới kiểm soát chặt chẽ hơn thì gia đình ông sẽ không có cơ hội gặp lại em gái.
Ông Nguyên cũng thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn tới cơ quan chức năng và Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn đã giúp đỡ, chăm sóc cho em gái của mình trong thời gian qua.
Đăng nhận xét