Nghệ An: Bắt một cán bộ Ban Dân tộc vì tham ô

Theo cơ quan điều tra, tối 21/7, tại phòng 1504, tầng 15, chung cư Golden City 6 thuộc địa bàn xã Nghi Phú, TP. Vinh (Nghệ An), trước sự chứng kiến của cán bộ VKSND tỉnh, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Kim Văn Bốn (SN 1982), cán bộ Phòng chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

Theo đó ông Bốn có hành vi tham ô khi "đưa nhầm" 231 người dân tộc Thái và Khơ Mú thành người Ơđu ở bản Đửa, xã Lượng Minh thuộc huyện Tương Dương để hưởng chế độ chính sách của dự án "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các Dân tộc thiểu số rất ít người, giai đoạn 2016-2025" theo Quyết định 2086/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Hồ sơ điều tra của PC03 cho biết, trong quá trình thực hiện dự án nêu trên, nghi can Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lập khống hồ sơ, rút tiền, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Cùng thời gian nêu trên, PC03 đã khám xét nơi ở của nghi can Bốn, thu được một số tài liệu liên quan.

Nghệ An: Bắt một cán bộ Ban Dân tộc trong vụ "đưa nhầm"' 231 Ơđu vào đề án trăm tỷ - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt đối tượng Kim Văn Bốn tại nhà riêng

Trước đó, diễn biến sự việc như sau: Cuối năm 2016, sau khi tiếp nhận chủ trương của dự án, ngày 22/8/2017, Ban Dân tộc Nghệ An (chủ đầu tư), phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND huyện Tương Dương xác minh, ra soát đối tượng được thụ hưởng là người Ơđu trên địa bàn huyện Tương Dương để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Dự án xác lập người Ơđu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có 689 người Ơ-đu cư trú. Riêng tại bản Văng Môn, xã Nga My có 94 hộ/456 khẩu. Tại bản Đửa, xã Lượng Minh có 45 hộ/231 khẩu.

Tổng giá trị đầu tư đề án là 120 tỷ đồng. Cuối năm 2018, chủ đầu tư đề án nhận số tiền đầu tiên của đợt một là 18,812 tỷ đồng. Năm 2019, cơ quan này nhận tiếp đợt hai là 9,369 tỷ đồng.

Nhưng tháng 4/2019, trước khi triển khai thực hiện đề án, có dư luận xôn xao rằng đối tượng được hưởng chính sách người Ơđu ở bản Đửa là không có thật. Vì thế, Ban Dân tộc Nghệ An phối hợp với UBND huyện Tương Dương khẩn trương rà soát lại đối tượng thụ hưởng.

Kết quả cho thấy, "ở bản Đửa không còn người Ơ-đu cư trú như kết quả khảo sát ban đầu" (trích báo cáo của ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, gửi các cơ quan chức năng sau khi vụ việc vỡ lở).

Từ kết quả này, Ban Dân tộc miền núi Nghệ An có văn bản số 577/BDT-CSDT, ngày 29/9/2019 trình UBND tỉnh, tham mưu việc đưa 231 người "Ơ-đu" ở bản Đửa ra khỏi đề án nhân đạo này. Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chấp thuận sự cố nêu trên.