Mới đây, phía Mỹ đã bác bỏ toàn bộ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Có ý kiến cho rằng đây là điều thuận lợi cho các nước trong khu vực, trong đó có nước ta trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông nghĩ sao?
- Tôi nghĩ, đối với Mỹ bao giờ họ cũng tuyên bố dựa trên lợi ích của họ, khi nào họ thấy lợi ích của mình bị đụng chạm thì họ lên tiếng. Trước đây, có lúc giữa Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng trên Biển Đông, lúc đó Mỹ có những tuyên bố mang tính trung lập.
Những tuyên bố của Mỹ về vấn đề Biển Đông chủ yếu họ khẳng định về tự do hàng hải. Còn như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa qua, cho thấy đây là lần đầu tiên Mỹ khẳng định rõ những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông đều bị bác bỏ. Ví dụ như vấn đề đường 9 đoạn mà Trung Quốc nêu ở Biển Đông (còn gọi là đường lưỡi bò), Mỹ khẳng định điều này là phí lý; chuyện Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết xung quanh việc Philippines kiện Trung Quốc (năm 2016) về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ công nhận phán quyết của Tòa trọng tài.
Liên quan khu vực bãi Tư Chính (Việt Nam) rồi vùng biển liên quan đến Philippines, Maylaysia trước đây Trung Quốc nhận là của họ thì nay Mỹ khẳng định là phi lý.
Có thể thấy đây là lần đầu tiên Mỹ không tuyên bố kiểu chung chung về vấn đề Biển Đông theo kiểu tự do hàng hải nữa mà tuyên bố thẳng thừng, cụ thể để bác các yêu sách phi lý do Trung Quốc đưa ra.
Theo ông, việc Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông có sự trùng hợp với quan điểm của chúng ta và các nước ASEAN trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải?
- Mới đây, cũng có ý kiến cho rằng việc Mỹ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là có mục đích "ly gián quan hệ Trung– Việt", cũng như nhằm lôi kéo Việt Nam về phía mình...
Tuy nhiên điều mà thế giới cũng thấy rõ không ai lôi kéo được Việt Nam cả. Chúng ta bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Khi quốc gia nào có lập trường, quan điểm phù hợp với chúng ta thì chúng ta hoan nghênh. Điều gì gây ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam thì chúng ta phản đối.
Trường hợp Việt Nam, Mỹ hay các quốc gia khác đưa ra lập trường trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế thì lẽ đương nhiên nó có sự tương đồng, mặc dù lợi ích mỗi bên có thể khác nhau.
Phía Trung Quốc không nên đặt vấn đề Mỹ làm thế này, thế kia để lôi kéo Việt Nam. Chúng ta không bị lôi kéo để chống ai mà chỉ bảo vệ chủ quyền trên cơ sở hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Nếu như Mỹ không có những tuyên bố cứng rắn, hành động mạnh để kiềm chế sự ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông thì vai trò, uy tín của cường quốc số 1 sẽ bị giảm sút?
- Đúng như vậy. Lâu nay Trung Quốc cứ nói đến chuyện đàm phán, rồi nói tình hình Biển Đông ổn định, tuy nhiên sự thực không hề ổn định. Phía Trung Quốc gây ra chuyện này, chuyện kia, tuyên bố và hành động bất chấp luật pháp quốc tế. Ví dụ, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, Việt Nam có đầy đủ thẩm quyền thực hiện các hoạt động kinh tế mà không quốc gia nào có quyền ngăn cản, quấy nhiễu, thế nhưng Trung Quốc cho các tàu ra gây khó khăn, họ tìm cách ngăn cản hoạt động của chúng ta.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn cho các tàu hải cảnh hoặc tàu có vũ trang, giả dạng tàu đánh cá ngăn cản, đe doạ và dùng vũ lực, thậm chí cố tình đâm chìm tàu cá của ta, xâm hại tính mạng của ngư dân ta...; họ ngăn chặn quyết liệt các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của ta, kể cả ở những khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chúng ta muốn Biển Đông luôn luôn hòa bình, ổn định. Nếu như Trung Quốc đưa tàu chiến vào tập trận, Mỹ cũng đưa tàu chiến, máy bay vào tập trận ở Biển Đông thì tình hình sẽ bất ổn. Trung Quốc phản đối Mỹ nhưng họ vẫn đưa lực lượng quân sự vào, rõ ràng như vậy cũng gây mất ổn định. Chúng ta mong muốn hòa bình, ổn định trong khu vực, chúng ta ủng hộ những hoạt động giúp cân bằng ổn định tình hình, giữ hòa bình khu vực này.
Xin cảm ơn ông (!)
Đăng nhận xét