Vì sao Thụy Điển, Đan Mạch tuyên bố đại dịch Covid-19 kết thúc?

Vì sao Thụy Điển, Đan Mạch tuyên bố đại dịch Covid-19 kết thúc? - Ảnh 1.

Bộ xét nghiệm PCR cuối cùng của bệnh nhân Covid-19 được thu thập tại một địa điểm xét nghiệm khi Thụy Điển tuyên bố chấm dứt đại dịch Covid-19. Ảnh Reuters.

Theo Reuters, trước đó, chính phủ Thụy Điển tuyên bố loại bỏ các hạn chế phòng dịch còn lại vì vaccine và biến chủng Omicron khiến các ca bệnh nặng và tử vong giảm bớt. Về cơ bản, chính phủ cho rằng, Covid-19 đã được kiểm soát và căn bệnh đã không còn quá nghiêm trọng.

Theo đó, kể từ ngày 8/2, các quán bar và nhà hàng ở Thụy Điển, Đan Mạch được phép mở cửa đến sau 23h, không giới hạn số lượng khách. Hạn chế cho những sự kiện trong nhà, quy định về thẻ xanh tiêm chủng cũng được dỡ bỏ. Hành khách di chuyển trên phương tiện công cộng không bắt buộc đeo khẩu trang.

Ngoài ra, Thụy Điển cũng ngừng xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn, thậm chí cả với người có triệu chứng; các điểm xét nghiệm di động, xét nghiệm Covid-19 tại nhà dừng hoạt động.

Bắt đầu từ ngày 9/2, chỉ các nhân viên y tế, người làm việc tại viện dưỡng lão, những người thuộc nhóm nguy cơ cao mới được xét nghiệm PCR miễn phí, còn những người khác được khuyến cáo tự cách ly tại nhà nếu mắc Covid-19. Người dân cũng không cần báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 cho cơ quan y tế.

Tuyên bố trước truyền thông, Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren đã giải thích lý do Thụy Điển tuyên bố đại dịch Covid-19 kết thúc: "Từ những điều đã biết về đại dịch, tôi có thể nói rằng nó đã kết thúc. Nó chưa chấm dứt hoàn toàn, nhưng chúng ta sẽ nhanh chóng điều chỉnh các biện pháp phòng ngừa".

Bà Hallengren cho rằng, Covid-19 không còn là mối nguy hại đối với xã hội. Nhiều nước châu Âu đang bắt đầu xem Covid-19 là một căn bệnh đặc hữu như cúm, bởi con người đã có được hiểu biết nhất định và công cụ hữu hiệu để chống lại nó.

Chính phủ Đan Mạch tuyên bố từ ngày 1/2 rằng, họ không còn coi Covid-19 là “căn bệnh nghiêm trọng". Tất cả hạn chế được dỡ bỏ, kể cả yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín và phương tiện công cộng.

Sara Vang, cô gái Đan Mạch 20 tuổi cho biết nhiều người trẻ đã sống chung với Covid-19 từ lâu và thậm chí, "mắc Covid-19 và có triệu chứng nặng như một phần của điều bình thường vậy”.

Vì sao Thụy Điển, Đan Mạch tuyên bố đại dịch Covid-19 kết thúc? - Ảnh 2.

Quang cảnh một quán bar ngoài trời ở Stockholm, Thụy Điển ngày 1/7/2021. Ảnh Reuters.

Giải thích về quyết định "xóa sổ" đại dịch Covid-19 ở Đan Mạch, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke nhấn mạnh, ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để “hưởng lợi” từ độc lực ít nghiêm trọng của Omicron và tỷ lệ tiêm chủng cao - 81% dân số tiêm chủng đầy đủ, trong đó có 62% người dân đã nhận mũi tăng cường.

WHO: Châu Phi đang thoát khỏi giai đoạn đại dịch

Theo China Daily HK, Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi Tiến sĩ Matshidiso Moeti hôm 9/2 cho biết, châu lục này đang thoát khỏi giai đoạn đại dịch Covid-19 và hướng tới một tình huống mà họ sẽ đối phó với virus trong thời gian dài.

"Tôi tin rằng, chúng ta đang thoát khỏi giai đoạn đại dịch và bây giờ chúng ta sẽ cần phải đối phó với sự hiện diện của loại virus này trong dài hạn", Tiến sĩ Matshidiso Moeti nói trong một cuộc họp báo trực tuyến thường kỳ hôm 9/2.

"Đại dịch Covid-19 đang chuyển sang một giai đoạn khác... sang một dạng mà nó có thể trở thành một loại bệnh đặc hữu, con người sống chung với virus, đặc biệt là nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng lên", bà Matshidiso nói.

Gần hai năm sau khi châu Phi xác nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 14/2/2020, lục địa này đang trên đường chấm dứt sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra vào năm 2022, bà Matshidiso nói thêm.

Nhiều nước rục rịch xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

Vì sao Thụy Điển, Đan Mạch tuyên bố đại dịch Covid-19 kết thúc? - Ảnh 3.

Rất đông người đổ xô đến một trong những con phố mua sắm nhộn nhịp nhất của Stockholm vào ngày 4/2 mà không đeo khẩu trang khi Thụy Điển dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế phòng dịch. Ảnh LA Times.

 WHO cũng như các chuyên gia y tế toàn cầu gần đây đưa ra nhận định rằng, Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng giai đoạn đại dịch cấp tính có thể sớm chấm dứt và căn bệnh này có thể sớm trở thành một loại bệnh đặc hữu như cúm hoặc sởi. Nhận định trên làm nức lòng nhiều nước trên thế giới rục rịch muốn công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Thái Lan hồi cuối tháng 1 đã tuyên bố có thể sớm tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, không cần chờ hướng dẫn hay quyết định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit cho biết, các tiêu chí để thực hiện kế hoạch trên có thể gồm việc nước này không ghi nhận nhiều hơn 10.000 ca mắc mới/ngày, tỷ lệ tử vong thấp hơn 0,1% và hơn 80% số người dân có nguy cơ mắc bệnh được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine.

Các xu hướng cho thấy dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng, nhất là với người đã tiêm đủ vaccine.

"Covid-19 có thể lây lan nhưng hiện không nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong có thể chấp nhận được. Các đợt bùng phát dịch vẫn có thể xảy ra, nhưng quan trọng là người dân có khả năng miễn dịch. Họ cần được tiêm phòng, còn chúng ta cần một mạng lưới điều trị hiệu quả", ông Wongrajit nhấn mạnh.

Tây Ban Nha cũng là nước xem Covid-19 là "một phần của cuộc sống" khi Thủ tướng Pedro Sánchez hồi đầu năm 2022 tuyên bố người dân sẽ "phải học cách sống chung với dịch bệnh, giống như cách chúng ta làm với nhiều loại virus khác" đồng thời khẳng định nước này sẽ sớm điều chỉnh cách tiếp cận với Covid-19.

Tại Anh, bất chấp các ca Covid-19 vẫn cao, chính phủ cũng đang có kế hoạch cải tiến chiến lược đối phó với Covid-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh rằng, mọi người "phải học cách chung sống với COVID giống như cách chúng ta chung sống với bệnh cúm".

"Không thể áp dụng tình trạng khẩn cấp mãi", Graham Medley, giáo sư về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London đồng tình.

Adblock test (Why?)