Trong hơn 2 tháng sau khi Nga bắt đầu xây dựng quân đội gần Ukraine vào mùa thu năm ngoái, Mỹ đã im lặng về đề xuất viện trợ quân sự cho Kiev, chỉ chấp nhận gửi vũ khí đã được lên lịch giao từ lâu.
Điều đó giờ đây đã thay đổi. Máy bay chở hàng của Mỹ đã mang theo vũ khí và đạn dược công khai đến sân bay Borispol của Kiev. Và quân đội Ukraine muốn giới thiệu với giới truyền thông những vũ khí mới mà họ vừa được chuyển giao tại một khu vực huấn luyện quân sự.
Trong hai tuần gần đây, 7 máy bay chở hàng của Mỹ mang tổng cộng khoảng 585 tấn hỗ trợ quân sự đã hạ cánh xuống Kiev. Sau khi chiếc máy bay Mỹ mới nhất đến vào thứ Năm tuần trước 3/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksiy Reznikov tuyên bố trên Twitter rằng: “Đây chưa phải là chuyến cuối cùng! Còn nữa!"
Cùng với đạn dược cho các loại vũ khí nhỏ, các máy bay Mỹ cũng mang đến một số lượng đáng kể tên lửa cho Ukraine. Chúng bao gồm tên lửa chống tăng Javelin mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine từ năm 2018.
Ngoài ra, Ukraine cũng nhận được một loại tên lửa vác vai do Mỹ sản xuất có thể làm nổ tung các công sự được làm từ bao cát và phá hủy một phần boongke kiên cố.
Hôm thứ Sáu tuần trước, các binh sĩ Ukraine đã bắn 10 chiếc được gọi là "tên lửa phá boongke" trước truyền thông quốc tế, bao gồm cả một đoàn truyền hình Nhật Bản.
Đối với những người chỉ trích chính sách trang bị vũ khí cho Ukraine, loại vũ khí này có vẻ khiêu khích. Tại Ukraine, gần một nửa số người trả lời cuộc thăm dò dư luận mới đây cho biết họ tin rằng vũ khí của phương Tây sẽ răn đe Nga, nhưng 1/3 cho biết họ nghĩ rằng điều này sẽ phản tác dụng và kích động một cuộc tấn công từ Nga. Chính phủ Nga đã phản đối việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine và Đức cũng kiên quyết phản đối điều này.
Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Đức cho biết trong chuyến thăm Kiev hôm thứ Hai tuần này rằng: “Tôi không nghĩ là thực tế khi tin rằng, việc xuất khẩu vũ khí như vậy có thể xoay chuyển tình trạng mất cân bằng quân sự”.
Maria Zolkina, một nhà phân tích chính trị tại Tổ chức Sáng kiến Dân chủ bình luận, chính sách của Ukraine về việc khoe công khai sức mạnh các loại vũ khí mới làm tăng thêm giá trị của chúng như một biện pháp răn đe.
Bà nói, các sự kiện truyền thông như vậy sẽ giúp “phá tan niềm tin rằng một Ukraine không được bảo vệ là một đối tượng dễ dàng bị Nga đánh bại".
Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba cho biết, việc chuyển giao vũ khí sẽ tăng cường sức mạnh của Ukraine trong việc đối phó với Nga.
"Chúng ta càng có nhiều vũ khí phòng thủ thì khả năng chúng ta phải sử dụng chúng càng ít đi", ông Kuleba nhấn mạnh đầy ẩn ý.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất gửi vũ khí cho Ukraine trong các chuyến bay bắt đầu từ tháng trước. Vương quốc Anh đã gửi khoảng 2.000 tên lửa chống tăng hạng nhẹ cho nước này. Với sự chấp thuận của Mỹ, các nước vùng Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia cho biết họ sẽ chuyển giao tên lửa phòng không Stinger, lấp đầy khoảng trống trong hệ thống phòng không yếu kém của Ukraine. Ba Lan cũng cho biết họ sẽ gửi tên lửa phòng không cho Ukraine.
Tại cuộc trình diễn bắn phá boongke, chỉ có binh sĩ Ukraine xử lý vũ khí. Những binh sĩ này đã trải qua một khóa học 3 ngày do các quân nhân từ Lữ đoàn Bộ binh 53 thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Florida, Mỹ giảng dạy. Nhưng người Mỹ đứng sang một bên, từ chối xuất hiện trước ống kính.
Ống phóng và tên lửa nặng khoảng 15 pound và trông giống như một khúc gỗ nhỏ, màu xanh lá cây. Khi một tên lửa được bắn đi, tiếng ồn ào làm xáo trộn các món ăn trên bàn ăn ngoài trời được thiết lập để cung cấp đồ ăn nhẹ cho các nhà báo đến thăm. Binh sĩ Ukraine hò reo khi tên lửa bắn trúng mục tiêu, phát ra tiếng nổ lốp bốp trong chớp nhoáng.
“Nó rất đơn giản, chỉ là một thiết bị. Con trai hay con gái ở độ tuổi nào cũng có thể bắn được. Nó giống như một chiếc iPhone vậy”, Ivan, một trung sĩ 25 tuổi người Ukraine vừa được đào tạo cách bắn tên lửa mới chia sẻ. Những người lính Ukraine cũng che mặt bằng mũ bảo hiểm để bảo vệ danh tính của họ.
Đăng nhận xét