Bởi hai lý do. Thứ nhất, ông Biden không gắn việc rút quân và định ra thời hạn cụ thể cho việc hoàn tất quá trình rút quân này với bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho các phe phái ở bên trong cũng như cho các đối tác ở bên ngoài Afghanistan.
Ông Trump đã xác định cụ thể thời hạn rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan (vào ngày 1.5 tới) trong thoả thuận hoà bình với phe Taliban ở Afghanistan và với một số điều kiện đặt ra cho Taliban, trong đó có đòi hỏi Taliban phải cam kết không dung túng những tổ chức và phần tử khủng bố đe doạ an ninh của Mỹ và đồng minh cũng như cam kết tham gia vào giải pháp chính trị hoà bình cho Afghanistan, trước hết tham gia vào tiến trình hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc ở Afghanistan.
Cách tiếp cận của ông Trump ở đây là Taliban phải tự chuyển hoá từ một lực lượng vũ trang thành môt tổ chức chính trị. Còn ông Biden không đưa ra điều kiện gì cho Taliban ngoài lời răn đe là Mỹ sẽ đáp trả thích đáng mọi hình thức và mức độ Taliban đe doạ an ninh của Mỹ. Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken biện luận rằng Mỹ đã đạt được mục đích đề ra với việc phát động cuộc chiến tranh này, cho rằng Taliban không còn gây ra mối đe doạ an ninh trực tiếp nào nữa đối với Mỹ và Mỹ bây giờ phải đối phó với những thách thức khác lớn hơn, trực tiếp hơn và cấp thiết hơn, cụ thể là Trung Quốc.
Lý do thứ hai là trong thực chất thì việc đưa ra thời hạn cụ thể cho chuyện rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan đã được ông Trump làm và ông Biden bây giờ chỉ trù hoãn thời hạn ấy từ ngày 1.5 sang ngày 11.9. - khoảng thời gian đâu có nhiều nhặn gì so với chuỗi năm tháng trong hai thập kỷ liền Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh này. Nói theo cách khác, ông Biden chỉ thực hiện việc đã được người tiền nhiệm quyết định.
Thoả thuận giữa Mỹ và Taliban với nội dung Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan vào ngày 1.5 tới đã được đàm phán và ký kết thời ông Trump còn là tổng thống Mỹ và trong bối cảnh người này tin tưởng chắc chắn rằng sẽ được tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Thật ra, chỉ có hai nguyên cớ lý giải cho quyết định chẳng khác gì bỏ của chạy lấy người của ông Biden ở Afghanistan. Thứ nhất là nhận thức Mỹ và đồng minh không thể giành về được phần thắng hoàn toàn và tuyệt đối trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Phần thắng này được hiểu ở đây là Taliban không những không thể khôi phục chính thể xưa hoặc không đủ mạnh về quân sự đến mức lại chiến thắng trong cuộc nội chiến mới ở Afghanistan sau khi Mỹ, Nato và đồng minh rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan. Theo thời gian, cơ hội chiến thắng càng thêm mong manh trong khi mức độ sa lầy về chính trị, quân sự, an ninh và tài chính ở Afghanistan lại càng gia tăng. Cho nên, dứt bỏ ra đi chính là cách thoát khỏi sa lầy và vớt vát những gì còn có thể vớt vát được trên mọi phương diện ở Afghanistan mà quan trọng nhất đối với Mỹ là giữ thể diện, chủ động và trên thế mạnh. Hơn nữa, nếu xác định ưu tiên chính trị an ninh và đối ngoại hàng đầu cho hiện tại và trong tương lai là đối phó Trung Quốc thì Mỹ phải giảm thiểu tối đa rủi ro an ninh và gánh nặng tài chính ở Afghanistan. Nguyên cớ thứ hai là ông Biden dùng quyết định này nhằm vào tâm lý chung của dân Mỹ từ nhiều năm nay là mệt mỏi và ngán ngẩm với những cuộc chiến tranh mà chính quyền Mỹ tiến hành ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ nước Mỹ. Nếu làm được việc mà cả 3 người tiền nhiệm là George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump trong suốt 2 thập kỷ cầm quyền của họ ở nước Mỹ - 8 năm ông Bush, 8 năm ông Obama và 4 năm ông Trump - đều không làm nổi là chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan thì ông Biden sẽ ghi được điểm rất cao về đối nội ở nước Mỹ.
Mỹ bỏ cuộc chơi ở Afghanistan thì Nato và các đồng minh khác không thể ở lại. Nato, Đức hay Australia đều đã phải đưa ra thời hạn cụ thể hoàn tất việc rút hết binh lính ra khỏi Afghanistan. Tất cả đều không có chiến lược cho Afghanistan cho thời lỳ sau đấy. Họ giờ phó mặc tương lai của Afghanistan cho các phe phái ở Afghanistan và cho các đối tác khác bên ngoài Afghanistan. Ở bên trong Afghanistan, Taliban lại có thời.
Ở bên ngoài Afghanistan, những nước láng giềng lớn của Afghanistan là Trung Quốc, Nga và Pakistan, thậm chí cả Iran nữa đều có cơ hội bù lấp khoảng trống quyền lực và chính trị an ninh ở Afghanistan. Cục diện chính trị an ninh mới và tương quan lực lượng mới sẽ hình thành ở Afghanistan và xung quanh Afghanistan. Một cuộc chơi địa chiến lược mới sẽ định hình ở khu vực này mà các bên đã phát động và tiến hành cuộc chiến tranh ở nơi đây trong 20 năm qua không còn có thể tham gia. Cho nên có quá nhiều ẩn số đối với tương lai của Afghanistan.
Đăng nhận xét